Công dân Canada song tịch được miễn trừ lệnh cấm nhập cảnh của Trump

Công dân Canada song tịch được miễn trừ lệnh cấm nhập cảnh của Trump

Biểu tình tại phi trường JFK của New York để phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump cấm cư dân từ 7 nước vào Mỹ. (Ảnh: Bryan R. Smith / AFP/Getty Images)

Công dân Canada sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ cho dù họ cũng có quốc tịch của các nước bị cấm trong sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, theo thông báo của một cố vấn cấp cao của Trump với chính phủ Canada vào cuối ngày thứ Bảy 28-1.

Thông báo của Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn, được đại sứ quán Canada ở Washington chuyển lại cho báo chí, kết thúc một ngày công chúng bối rối và hoảng loạn về chính sách của Trump với ngôn từ mơ hồ mà dường như sẽ khiến hàng chục ngàn công dân Canada lâm vào thế kẹt và từ bỏ 150 năm truyền thống biên giới giữa hai nước.

Văn phòng Thủ tướng Justin Trudeau nói với báo giới, “Thủ tướng đã chỉ thị cho Cố vấn An ninh Quốc gia Daniel Jean, người đã liên lạc với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Flynn trong mấy ngày qua, yêu cầu làm sáng tỏ hơn.”

“Flynn khẳng định rằng những người có hộ chiếu Canada, bao gồm các công dân song tịch, sẽ không bị lệnh cấm này ảnh hưởng. Chúng tôi đã được bảo đảm rằng công dân Canada đi lại với hộ chiếu Canada sẽ được giải quyết theo quy trình thường lệ.”

Sắc lệnh được ký hôm thứ Sáu 27-1 dường như đã ngăn cản việc đi lại của sinh viên và doanh nhân Canada song tịch đang sinh sống ở Mỹ, coi như cấm họ rời khỏi Mỹ, và ngăn cản công dân Canada song tịch đang sinh sống ở Canada muốn đi Mỹ.

Lệnh cấm 90 ngày của Trump, mà ông gọi là một biện pháp chống khủng bố, không nhắm cụ thể tới công dân Canada. Lệnh này nhằm cấm cư dân các nước Iran, Iraq, Sudan, Somalia, Syria, Yemen và Libya nhập cảnh Mỹ.

Nhưng trước sự ngạc nhiên của các đồng minh của Mỹ, Bộ An ninh Nội địa Mỹ vào đầu ngày thứ Bảy 28-1 thông báo rằng sắc lệnh này không miễn trừ những người là công dân của những nước đó và cũng là công dân của các nước như Canada, Pháp và Úc, mà chưa bao giờ là đối tượng của các biện pháp hạn chế tổng quát kiểu này. Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói sắc lệnh này cũng không miễn trừ cho những người có “thẻ xanh”, những thường trú nhân được sàng lọc rất kỹ lưỡng.

Đây không phải là lệnh cấm người Hồi giáo “toàn diện và hoàn toàn” mà Trump đã hứa trong chiến dịch tranh cử mà ông công khai bài Hồi giáo. Nhưng sắc lệnh này dường như sâu rộng hơn và có tính trừng phạt hơn kỳ vọng của giới lập pháp, giới ngoại giao và giới luật sư khi các chi tiết bị rò rỉ hồi đầu tuần.

Giới đấu tranh vì người tị nạn Canada đã kêu gọi Thủ tướng Trudeau cân nhắc thay đổi một thỏa thuận năm 2004, Hiệp định Nước Thứ ba An toàn; hiệp định này cấm phần lớn những người đã ở Mỹ xin tị nạn tại biên giới Canada. Họ nói rằng với việc chính quyền Trump đình chỉ tiếp nhận người tị nạn trong 120 ngày, Mỹ không còn đủ tiêu chuẩn được coi là một nơi trú ẩn an toàn.

Các chính khách Canada khác đã lên tiếng hôm 28-1. Deepak Obhrai, một dân biểu liên bang đại diện Calgary sinh ra ở Tanzania và ứng cử viên lãnh tụ Đảng Bảo thủ, viết trên Twitter: “Nhắm vào người Hồi giáo do những hành động của một thiểu số không phải là cách chống khủng bố được.”

Thủ hiến Brad Wall của Saskatchewan, một chính khách bảo thủ khác, nói rằng tỉnh bang của ông đã tiếp nhận 2.000 người tị nạn trong năm qua. Ông viết, “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chính phủ liên bang về việc bất cứ ai bị kẹt vì lệnh cấm của Mỹ.”

Thị trưởng John Tory của Toronto nói thành phố sẽ tiếp tục hoan nghênh di dân và người tị nạn. Trong một phát biểu, ông nói, “Phương châm của thành phố chúng tôi là ‘sự đa dạng là sức mạnh của chúng tôi’. Chúng tôi hiểu rằng là người Canada chúng tôi gần như đều là di dân, và rằng không ai nên bị loại trừ trên cơ sở dân tộc và quốc tịch của họ.”

Một quan chức giấu tên trong chính quyền Trump nói với tờ The Washington Post rằng những người có thẻ xanh sẽ được chấp thuận cho nhập cảnh Mỹ theo “từng trường hợp”. Bất chấp nhiều bằng chứng thực tế, quan chức này nhất quyết rằng sắc lệnh này “chẳng có mấy hậu quả”.