Trung Quốc tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình

Sự tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể kích thích Lầu Năm Góc tham gia chạy đua

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng ngày càng xuất hiện nhiều lý do hơn để dư luận tin rằng Trung Quốc (TQ) sẽ thực hiện bước đột phá trong lĩnh vực phát triển vũ khí hạt nhân (VKHN). Theo ông, điều đó có thể dẫn đến những thay đổi triệt để trong cuộc chơi địa chính trị đang diễn ra ở châu Á – Thái Bình Dương.

Thách thức Mỹ

Đề cập năng lực hạt nhân của TQ, ông Kashin nhận định: Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thay đổi luật chơi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong vài năm tới, TQ có thể thu hẹp khoảng cách với Mỹ và Nga về năng lực hạt nhân chiến lược.

 Tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa DF-41 của Trung Quốc Ảnh: YOUTUBE

Tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa DF-41 của Trung Quốc Ảnh: YOUTUBE

Mới đây, trong cuộc tập trận của lực lượng tên lửa sau dịp mừng năm mới hồi tuần trước, TQ đã triển khai loại tên lửa đạn đạo tầm trung DF-16 có độ chính xác cao, có thể đe dọa các căn cứ Mỹ và Nhật Bản ở châu Á. DF-16 đã được quân đội TQ trình làng trong cuộc diễu binh năm 2015 nhưng lúc đó chưa thể hiện khả năng vượt trội.

Người ta cho rằng tên lửa này có tầm bắn 1.000 km, có thể vươn đến đảo Okinawa – nơi một số căn cứ quân sự Mỹ trú đóng cũng như các hòn đảo khác ở Nhật, Đài Loan và Philippines. Theo hãng tin AP, DF-16 gồm 2 bộ phận được sử dụng thay thế tên lửa DF-11 cũ hơn và tầm ngắn hơn; bộ phận sau có thể điều chỉnh đường bay để bắn trúng các mục tiêu di chuyển thấp và tránh được hệ thống phòng thủ chống tên lửa, như Patriot mà Mỹ triển khai ở Đài Loan. Được trang bị 3 đầu đạn và mang theo chất nổ quy ước có sức công phá mạnh hoặc VKHN, DF-16 được tin là đạt đến độ chính xác tương tự loại tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp.

Cách đây không lâu, ngày 31-1, ông Bill Gertz, biên tập viên cấp cao báo điện tử Washington Free Beacon, đưa tin Bắc Kinh thực hiện vụ thử nghiệm DF-5C – phiên bản mới của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang theo 10 đầu đạn hạt nhân, vốn được xem là sự thay đổi ngoạn mục về quan điểm hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh. Chuyên gia Kashin nhận xét: “Sức mạnh của DF-5 là rõ ràng. Đây là tên lửa nhiên liệu lỏng hùng mạnh, nặng 183 tấn. Tuy nhiên, lúc này tình hình đã thay đổi. Trước hết, DF-5 không còn là tên lửa duy nhất của TQ mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến Mỹ. DF-31 và DF-41 hiện cũng thách thức Mỹ. Bên cạnh đó, TQ đang chế tạo hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEWS) và hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) chiến lược”.

Theo ông Kashin, việc triển khai các hệ thống BMEWS và MD có thể giúp Bắc Kinh sử dụng các tên lửa này thực hiện cuộc phản công chống lại kẻ thù giả định. Nhà phân tích quân sự Nga cho rằng Bắc Kinh có thể gia tăng sản xuất tên lửa DF-5 do chi phí sản xuất thấp hơn và thời gian hoạt động lâu dài hơn DF-41.

Tín hiệu lạnh lùng

“Vụ thử tên lửa mang 10 đầu đạn có tầm quan trọng vì nó cho thấy quân đội đầy bí ẩn của TQ đang gia tăng số lượng đầu đạn trong kho vũ khí của mình” – bài báo trên Washington Free Beacon viết, đồng thời cảnh báo sự tăng cường kho VKHN của TQ có thể kích thích Lầu Năm Góc tham gia cuộc chạy đua.

Nhà báo Bill Gertz cho rằng vụ thử nghiệm vừa nêu có thể đã được thực hiện như sự phản ứng trước tình trạng căng thẳng tăng cao giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Catherine Wong ở báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, giả định vụ thử nghiệm này nhắm vào tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn nổi tiếng vì phát biểu cứng rắn về phía TQ, là không có cơ sở. Bà Wong dẫn lời một chuyên gia TQ từ một viện quân sự liên kết với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) giải thích vụ thử nghiệm không phải là quyết định ngẫu nhiên được đưa ra chỉ vì ông Trump lên nắm quyền. Chuyên gia này nhận định: “Vụ thử cần phải nhận được phép từ cấp cao nhất – tức Quân ủy Trung ương. Quân đội phải mất ít nhất 1 năm để được chấp thuận và chuẩn bị”.

Trong khi đó, website Value Walk đặt vấn đề: TQ triển khai ICBM tiên tiến DF-41 ở tỉnh Hắc Long Giang, giáp với Nga, vào ngày ông Trump nhậm chức là nhằm đối đầu Nga hay liên quân với Nga chống Mỹ? Câu trả lời dễ chấp nhận là ông Trump và nước Mỹ.

DF-41 có sức mạnh hạt nhân là loại tên lửa 3 tầng có thể bắn trúng mục tiêu ở cách xa 15.000 km, tức bao phủ toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh còn triển khai ít nhất 3 lữ đoàn DF-41 khắp cả nước. Đây không phải lần đầu tiên TQ biểu dương sức mạnh quân sự để gửi đến Mỹ những tín hiệu lạnh lùng, kiên quyết. Tháng trước đó, Bắc Kinh đã bắn thử nghiệm một phiên bản DF-41, trùng với thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc ấy là Ashton Carter đến thăm tàu sân bay Mỹ ở biển Đông.

Trong khi đó, người Nga không hề lo ngại trước việc TQ triển khai tên lửa hạt nhân gần biên giới. Theo hãng tin RIA Novosti, nhà phân tích quân sự hàng đầu Nga Konstantin Sivkov nhận xét việc triển khai DF-41 gần biên giới Nga không nên hiểu là mối đe dọa đối với Moscow. Người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, cũng phủ nhận đó là mối đe dọa, đồng thời khẳng định Bắc Kinh là đối tác chiến lược của Moscow về chính trị và kinh tế.

Sự kiện TQ triển khai tên lửa sát biên giới Nga được đánh giá là phương cách thể hiện sự tin cậy đối với Nga, một đối tác chiến lược và đồng minh tiềm năng trong cuộc chiến nhằm triệt hạ thế thống trị của Mỹ trên toàn cầu.

 

Nga, Trung Quốc e ngại THAAD

Nga và TQ, với đường biên giới chung dài 4.209 km, đã cùng phản đối Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầng cao giai đoạn cuối (THAAD) gần biên giới của họ.

Trong một tuyên bố chung, Moscow và Bắc Kinh nhấn mạnh kế hoạch triển khai THAAD ở Hàn Quốc nhằm ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên là mối đe dọa nền an ninh của họ. Cả hai nước này đều thừa nhận cảm thấy rất dễ bị tấn công khi THAAD được triển khai, đồng thời e ngại Mỹ có thể sử dụng THAAD không chỉ để chống lại Triều Tiên mà cả Nga và TQ.

nguồn Theo Báo Người Lao Động