Công ty Mỹ dè dặt trước biểu trạng của ông chủ nhà Trắng

Gần 3 tuần sau khi Donald Trump chính thức nhậm chức và người ta có thể dễ dàng nhận ra một xu hướng quen thuộc trong mối quan hệ giữa ông và các tập đoàn: hãy làm những thứ Trump muốn hoặc chọn đối mặt với cơn thịnh nộ của ngài Tổng thống.

Tổng thống Donald Trump đang xuất hiện thường xuyên trong hoạt động thường ngày của các doanh nghiệp Mỹ, ở mức độ chưa từng có tiền lệ đối với bất kỳ vị Tổng thống nào, buộc các nhà đầu tư cũng như lãnh đạo doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ càng những cơn phẫn nộ của ông mỗi khi ra quyết định.

Trong diễn biến mới nhất, chuỗi bán lẻ các mặt hàng thời trang Nordstrom đã trở thành mục tiêu chỉ trích của tân Tổng thống trên Twitter. Câu chuyện bắt nguồn từ động thái loại bỏ các sản phẩm của Ivanka Trump ra khỏi kệ của Nordstrom dù hãng đã giải thích rằng nguyên nhân đơn giản chỉ do các sản phẩm này không bán chạy.

Trump đã đáp trả mạnh mẽ, đầu tiên là từ tài khoản Twitter của cá nhân ông và sau đó dòng tweet được đăng tải lại trên tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống Mỹ: “Con gái Ivanka của tôi đã bị Nordstrom đối xử không công bằng. Nó là một người tuyệt vời, luôn thôi thúc tôi làm những điều đúng đắn! Thật tồi tệ!”

Dòng tweet khiến cổ phiếu Nordstrom giảm nhẹ, nhưng không lâu sau đó cổ phiếu này phục hồi và lúc đóng cửa ghi nhận mức tăng 4% – mạnh nhất trong 2 tháng trở lại đây.

2 giờ đồng hồ sau khi tấn công vào Nordstrom, Trump tiếp đón CEO Brian Krzanich của Intel tại phòng Bầu dục để thông báo rằng nhà sản xuất chip sẽ đầu tư 7 tỷ USD cho một nhà máy ở bang Arizona, tạo ra 3.000 việc làm. Động thái của Intel không có gì bất ngờ và do đó cũng không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Nhưng giống như với Nordstrom, câu chuyện lại được đem lên Twitter.

“Một khoản đầu tư tuyệt vời (7 tỷ USD) cho việc làm và sự sáng tạo của nước Mỹ!”, ông viết. Kèm theo đó là hashtag #AmericaFirst.

Đến nay đã là gần 3 tuần sau khi Donald Trump chính thức nhậm chức và người ta có thể dễ dàng chỉ ra một xu hướng quen thuộc trong mối quan hệ giữa ông và các tập đoàn: hãy làm những thứ Trump muốn hoặc chọn đối mặt với cơn thịnh nộ của ngài Tổng thống. Các lãnh đạo doanh nghiệp đang đứng trước một lựa chọn dở khóc dở cười mà họ chưa bao giờ phải đối mặt: ở cùng phía hay chống lại Trump, trong bối cảnh lựa chọn này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.

Cân nhắc kỹ càng

Một số doanh nghiệp đã quyết định chống lại. Một loạt tập đoàn công nghệ trong đó có Apple, Alphabet, Amazon, Microsoft và nhiều cái tên khác đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. CEO Howard Schultz của Starbucks thậm chí tuyên bố chuỗi cửa hàng cà phê của ông sẽ tuyển 10.000 người nhập cư trong vòng 5 năm tới để phản đối sắc lệnh.

Đối với không ít công ty có nhóm khách hàng chính là những người trẻ tuổi và sống ở thành thị, lên tiếng chỉ trích Trump còn là một chiến lược tiếp thị hiệu quả. Một số thương hiệu bị khách hàng tẩy chay vì ủng hộ Tổng thống.

Một số lại đi theo hướng ngược lại. United Technologies Corp. đã hủy bỏ kế hoạch đóng cửa nhà máy ở bang Indiana và đồng ý cắt giảm số việc làm ở chi nhánh Mexico sau những lời phàn nàn của Tổng thống. Không ít tập đoàn (như Boeing, Lockheed Martion) hứa hẹn sẽ chuyển nhà máy về Mỹ.

Hôm nay (9/2), Trump tiếp CEO của các hãng hàng không tại Nhà Trắng để thảo luận về các vấn đề pháp lý, thuế và cải thiện cơ sở hạ tầng tại các sân bay. Tuần trước các công ty dược đã ghé thăm Nhà Trắng và trước đó là các tập đoàn sản xuất ô tô.

Những lo ngại về xung đột lợi ích

Vụ Nordstrom làm dấy lên một cuộc tranh cãi mới khi nhiều người cho rằng Donald Trump – giờ đã ngồi ghế Tổng thống – muốn gây ảnh hưởng lên chính sách của doanh nghiệp theo cách có lợi (dù gián tiếp) lên tình hình tài chính của người thân.

Laurence Tribe, giáo sư luật tại Harvard, nhận định những dòng tweet mới nhất của ông Trump có thể hiểu là một thông điệp rằng tất cả mọi người nên “đóng góp tài chính” cho các doanh nghiệp của nhà Trump.

Trong khi đó tại một buổi họp báo, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã lên tiếng bảo vệ dòng tweet của ông Trump. “Những phát ngôn đó tập trung vào việc con gái ngài Tổng thống bị tấn công nhiều hơn là vào chuyện kinh doanh của gia đình. Trên cương vị người cha, Tổng thống có quyền đứng lên chống lại sự tấn công vào con gái mình”.

Về dài hạn thì những chính sách của ông Trump sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn rất nhiều so với những dòng tweet dài 140 ký tự. Hàng tỷ USD lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế.

Và theo nhà đầu tư Bill Smead, CEO của Smead Capital Management, một công ty như Nordstrom sẽ có nhiều thứ phải xem xét hơn là suy nghĩ xem có chiều lòng Tổng thống hay không.

“Chẳng có nhiều khác biệt nếu như công ty vẫn đang hoạt động tốt”, Smead – người đứng đầu quỹ đầu tư 2 tỷ USD đang sở hữu cổ phiếu Nordstrom – nói.

Theo Bloomberg