LỜI CẦU HÔN MUỘN MÀNG

Nửa đêm, tôi thức giấc vì tiếng reng… reng vang lên lanh lảnh. Chụp vội chiếc điện thoại trong cơn ngái ngủ, hai mí mắt tôi nhíu lại giữa tiếng thì thào của Mỹ Toàn:

-Linh à, tao vừa gặp Khang.

Tôi bàng hoàng choàng tỉnh. Tiếng Mỹ Toàn lại vang lên:

-Mày nghe chứ, có muốn gặp lại không? Nếu cần “quân sư” gọi tao nhé!

Không có tiếng cười vang lên như thường lệ. Mỹ Toàn gác máy giữa sự ngẩn ngơ của tôi. Lâu thật lâu tôi mới nhẹ nhàng rời khỏi giường, bước sang phòng bên cạnh. Trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn ngủ, tôi hình dung ra Khang với những ngày đã xa. Không xa lắm, nhưng tưởng chừng như đã biền biệt, mất hút trong cái vẫy tay chào biệt quá khứ của tôi, trong ngày cùng Đăng bước chân đến ngôi giáo đường cổ kính để làm phép hôn phối.

Ngày đó, tôi là người Việt Nam duy nhất làm việc cho một thư viện đồ sộ trong thành phố tôi đang sống với người mẹ tuổi chưa quá già nhưng đã gần ba mươi năm sống đời góa bụa. Một buổi trưa, Khang xuất hiện bên quầy sách trong lúc tôi đang loay hoay sắp xếp.

-Cô biết nói tiếng Việt Nam không?

Cách hỏi có vẻ “lối” -theo nhận xét của Mỹ Toàn- vậy mà tôi lại bị cuốn hút ngay trong cái nhìn đầu tiên. Một người đàn ông cao ráo, khuôn mặt tuấn tú với đôi mắt sáng đầy vẻ cương nghị, giọng nói trầm, rõ ràng và dứt khoát. Đúng là mẫu đàn ông quyến rũ mà tôi vẫn bắt gặp trên những trang tiểu thuyết. Mỹ Toàn đã cảnh cáo tôi ngay khi nhìn thấy Khang và tôi tay nắm tay trong khu “shopping” sang trọng.

-Nguy hiểm, rất nguy hiểm. Vì thật tình mà nói, mày không xứng với anh chàng “tài tử” này chút nào.

Tôi ngửa mặt cười đắc thắng.

Ngày tháng của tôi vẫn trôi theo cuộc tình đầy thơ mộng và lãng mạn. Mẹ thở dài từng đêm khi nhìn đứa con gái duy nhất, mòn mỏi trong nỗi đợi chờ một tình yêu xa xôi đầy mộng tưởng. Tôi không muốn làm buồn lòng mẹ, nhưng biết làm sao khi Khang của tôi vẫn còn ham mê theo đuổi sự nghiệp. Công việc kinh doanh vẫn bắt Khang phải thường xuyên đi đây, đi đó. Có khi hàng sáu tháng chúng tôi không hề gặp mặt nhau. Khoảng thời gian đợi chờ đằng đẳng đó, tôi chỉ nhận được những dòng email ngắn gọn của Khang “Công việc bận rộn vô cùng. Nhớ em nhiều nhưng chưa gặp nhau được. Cố ăn ngon, ngủ khỏe để đủ sức khỏe đón anh về”. Hay những cú điện thoại viễn liên vội vã cũng gọn và ngắn. Chừng đó thôi. Khang không biết là anh đã mang đến cho tôi nỗi buồn bã và thất vọng đến chừng nào. Tôi ao ước một lá thư tình, ướp đầy mật ngọt của tình yêu và tràn đầy nhung nhớ. Nhưng biết làm sao “đã chọn thì phải rán mà chịu”. Mỹ Toàn luôn mắng mỏ tôi như thế, mỗi khi bắt gặp tôi ngồi thẩn thờ bên khung cửa. “Ừ, thì chấp nhận. Khang của tao là một mẫu người khác lạ hơn mọi người mà”. Tôi cười chống chế.

Quen nhau ba năm. Đi chơi với nhau hàng chục lần, từ những chỗ náo nhiệt ồn ào, đến những khung cảnh lãng mạn tình tứ, nhưng chưa lần nào Khang nói yêu tôi, dù rằng nhìn vào mắt Khang tôi biết được vị trí của mình trong tình cảm của anh. Phải đến cuối năm thứ tư Khang mới mang đến cho tôi một bất ngờ. Tối hôm đó, khi tôi đang cầm muỗng khuấy cà phê cho Khang, anh chợt nắm lấy ngón tay áp út của tôi, hỏi:

-Em đeo nhẫn “size” mấy?

Tôi nhìn Khang với vẻ ngạc nhiên. Khang cười âu yếm:

-Sau chuyến đi này, mình sẽ làm đám cưới.

Tim tôi run lên vì xúc động. Tôi muốn nói “Khang ơi! anh có biết em chờ đợi câu nói này của anh bao lâu rồi không?”, nhưng khi mở lời thì câu nói lại có vẻ như hững hờ:

-Anh có yêu em không mà đòi cưới?

Khang nhìn tôi với nụ cười nồng ấm. Không biết anh nghĩ gì về câu hỏi của tôi mà trả lời:

-Anh là người thành thật nhất trên đời và luôn làm tròn lời hứa.

Vậy đó. Chỉ chừng câu nói đó thôi mà tôi miệt mài chờ đợi Khang thêm bốn năm nữa. Mẹ ngày một già và tôi ngày một hắt hiu trong nỗi đợi chờ. Nhưng tình yêu tôi dành cho Khang thì ngày càng đậm đà, tha thiết.

Rồi mẹ lâm bệnh trầm trọng. Tôi ao ước có Khang bên cạnh khi phải một mình lo toan trong nỗi sợ hãi, bất an. Nhưng Khang vẫn biền biệt trong công việc làm ăn to tát của anh. Một lần, mẹ bị ngất xỉu đột ngột, tôi vô cùng hoảng hốt, nhưng không biết gọi ai, vì nơi đây chỉ có Mỹ Toàn là bạn thân mà Toàn thì đã dời sang tiểu bang khác từ ba tháng nay. Cuối cùng, tôi đành phải gọi Đăng, người bạn đồng nghiệp Việt Nam duy nhất của tôi nơi thư viện. Cũng may, anh sốt sắng giúp đỡ. Suốt một tháng, anh luôn có mặt trong bệnh viện để tiếp tay săn sóc cho mẹ tôi. Có những đêm, anh thay tôi ở lại để trông chừng mẹ. Tính anh ít nói nhưng rất đàng hoàng, tử tế. Đăng vào làm việc sau tôi ba năm. Anh sang Mỹ theo diện H.O, một mình, một thân thui thủi chẳng thấy gia đình, bạn bè. Nhìn sự giúp đỡ tận tình của anh, tôi chợt ân hận vì bấy lâu đã không chuyện trò, thăm hỏi để tạo tình thân thiết với một đồng nghiệp dễ mến như anh.

Sau khi mẹ tôi về nhà anh vẫn thường lui tới thăm viếng. Đăng không nói, nhưng tôi đã nhìn thấy những gì qua việc làm của anh. Chỉ có ba tháng thôi mà mẹ có vẻ rất mến thương Đăng. Mẹ nhiều lần nói xa nói gần, ý chừng muốn tôi để ý đến Đăng.

-Được một người chồng có cuộc sống bình thường, nhưng quan tâm đến mình thì vẫn hơn con ạ!.

Tôi cười im lặng. Có hôm mẹ lại nói:

-Tội thằng Đăng, nó đi học cải tạo được hai năm thì vợ bỏ đi mất, may mà không có con.

Hoặc:

-Mẹ thấy thằng Đăng nó lo lắng cho con lắm đó.

Nghe mãi cũng có lúc tôi khó chịu:

-Mẹ à! con với anh Đăng chỉ là bạn. Có gì đâu mà mẹ cứ nói xa, nói gần.

Mẹ nhìn tôi thật nghiêm nghị:

-Mẹ không muốn con chờ đợi người ta một cách vô vọng. Mẹ muốn con phải nhìn vào thực tế. Thực tế của con là Đăng chứ không phải Khang, con hiểu chưa?

Rồi mẹ sụt sùi nói trong nước mắt:

-Bây giờ con đang sống trong một đất nước thanh bình, chứ đâu phải như ba mẹ ngày xưa, chiến tranh khói lửa mà cứ mãi đợi chờ.

Lời nói của mẹ như mũi kim đâm một lỗ hổng vào niềm tin của tôi. Phải, giống như mẹ ngày xưa, tình yêu của tôi cũng chỉ là “những cánh thư và những buổi chiều chờ đợi”. Nhưng mẹ còn có những lá thư nồng nàn tình yêu và nỗi nhớ của ba. Còn tôi. Chỉ là những email trên chiếc máy computer vô tri, vô cảm, với những hàng chữ ngắn ngủi, không có dấu. Tôi bật khóc trong nỗi hoài nghi và thất vọng.

Rồi mẹ trở bệnh thình lình. Ngày nằm trong bệnh viện, nghĩ rằng mình sẽ không qua khỏi, mẹ gọi Đăng đến gửi gấm:

-Chắc là bác không xong rồi, con có thể thay bác bảo bọc con Linh không?

Đăng nhìn tôi, đôi mắt buồn hun hút. Tôi ôm lấy mẹ khóc ngất. Bác sĩ cho biết mẹ chỉ còn một tháng nữa. Tôi biết làm sao, khi Khang vẫn như cánh chim bay hoài không biết mỏi. Bao năm qua, tôi đã để mẹ phải mỏi mòn chờ đợi trong sự mòn mỏi đợi chờ của tôi. Hai mươi mấy năm ba bỏ thân trong trại cải tạo, mẹ đã cam tâm sống đời góa bụa cho tôi được hưởng trọn vẹn tình yêu thương nồng ấm của người mẹ hiền. Mẹ đã hy sinh cho tôi quá nhiều. Rồi tôi chợt nghĩ, trong thời gian ngắn ngủi còn lại của mẹ, tôi không được phép và không có quyền sống cho riêng tôi nữa. Vì thế, tôi đã cùng Đăng đến gặp Cha xứ của nhà thờ để xin làm phép hôn phối với một tâm tư trống rỗng. Không vui. Không buồn. Không một giọt nước mắt. Không một nụ cười. Ngày ngày tôi chỉ đến nhà thờ cầu nguyện cho tâm hồn mình được bình an và có đủ nghị lực vượt qua chính mình, để làm tròn những việc phải làm.

Trước lễ cưới hai ngày, tôi nhận được điện thoại của Khang. Giọng anh vẫn reo vui như mỗi lần về với tôi:

-Anh vừa về đến, tối nay gặp nhau ở chỗ cũ, có một món quà bất ngờ cho em.

Tôi cố nén cơn xúc động:

-Vậy à, vui nhỉ?

Khang đã cho tôi biết bao món quà bất ngờ, nhưng có một món quà tôi chờ hoài mà chẳng bao giờ thấy.

Buổi tối đó, tôi mặc áo dài đen, đeo xâu chuỗi ngọc trai mà Khang đã mua tặng tôi trong ngày sinh nhật và trang điểm thật cẩn thận. Nhìn vào gương, tôi thấy mình như một mệnh phụ phu nhân. Lộng lẫy. U buồn. Mẹ nhìn tôi nghi ngờ:

-Con đi đâu mà ăn diện cẩn thận vậy?

Tôi cố tạo nụ cười vui vẻ:

-Sinh nhật của đứa bạn. Hôm nay phải thật đặc biệt, mai mốt có chồng rồi biết có còn đi chơi với nó được không!

Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt mệt mỏi, rã rời. Giọng nói như không còn sinh lực:

-Làm gì cũng phải nhớ con sắp có chồng. Đừng phụ lòng Đăng. Nó là người ơn, là người chồng tốt sau này con ạ!

Tôi hôn mẹ, bước ra cửa mà nước mắt chợt ứa ra “Con sẽ nghe lời mẹ, khép kín trái tim, chôn vùi tình cảm. Xin mẹ hãy an tâm”. Tôi thì thầm với mẹ mà như nhắc nhở với chính mình.

Và món quà bất ngờ của Khang đã làm tôi thật sự bất ngờ. Khi Khang bảo tôi nhắm mắt lại, anh cầm tay tôi, và tôi nghe ngón tay áp út của mình run lên trong vòng nhẫn anh vừa lồng vào. Tôi mở choàng mắt, giữ tay Khang lại. Không hiểu sao tôi lại bình tĩnh vô cùng ngay phút giây đáng lẽ tôi phải bật khóc một cách tức tửi, nghẹn ngào. Khóc vì xúc động. Khóc vì giận hờn. Khóc vì lỡ làng. Khóc vì đau đớn. Nhưng không. Tôi thật điềm tĩnh, tháo nhẫn ra, đặt vào chiếc hộp màu đỏ rực rỡ và nhìn thẳng vào mắt Khang đang ngỡ ngàng, kinh ngạc.

-Khang biết không, em chờ đợi món quà này đã tám năm rồi. Biết bao ước mơ, hy vọng em đã ấp ủ trong nỗi đợi chờ. Đợi chờ anh từ ngày còn là một cô gái tươi tắn, hồn nhiên, cho đến nay em đã trở thành một thiếu nữ quá lứa, muộn màng.

Khang cướp lời tôi:

-Đối với anh, em bao giờ cũng trẻ, cũng đẹp. Lần này về, anh sẽ làm việc tại công ty, không đi nữa. Tháng sau mình sẽ làm đám cưới.

Tôi cười mà nước mắt nhòe nhoẹt trên mi. Tám năm chờ đợi một lời cầu hôn mà mãi hoài không có. Để rồi, chỉ còn hai ngày nữa tôi bước chân lên xe hoa thì Khang lại trở về, mang đến cho tôi một lời cầu hôn mà tôi không thể nhận.

Tôi chậm rãi kể cho Khang nghe những gì đã xảy ra trong thời gian anh đi biền biệt. Khang cúi đầu buồn bã và thú nhận không hề nghĩ đến những điều tôi cần trong suốt thời gian yêu nhau. Những điều tôi cần mà Khang cho rằng, vì không phải là con gái nên anh không hiểu được như những lá thư tình ngọt ngào, những cú điện thoại thường xuyên với những lời âu yếm, nhớ thương. Khang thở dài, kết luận:

-Anh không ngờ em là một người có cuộc sống nội tâm. Anh nghĩ rằng anh đã đến với em bằng tất cả tấm lòng thành thật là quá đủ. Anh thật không hiểu.

Tám năm dài yêu nhau, để đến bây giờ Khang mới biết rằng Khang không hiểu tôi. Giọt nước mắt nào chợt rơi xuống bàn tay giá lạnh. Tôi cố nén nỗi đau của mình thật sâu trong trái tim rướm máu. Khang đứng dậy rời khỏi quán với lời nói sau cùng:

-Dù thế nào, em vẫn là người anh thương yêu nhất.

***

…Bốn năm qua, tôi yên phận với cuộc đời làm vợ bên cạnh Đăng. Hạnh phúc không mang màu hồng tươi thắm, không đượm chất lãng mạn như thời con gái tôi vẫn mơ, nhưng bình an, không gợn sóng, để tôi có thể an tâm nhìn con cái trưởng thành trong một mái ấm gia đình, mà trong đó, Đăng luôn là người chồng có trách nhiệm và hết lòng thương yêu vợ con.

Khang đã là Khang của quá khứ. Nếu có gặp lại nhau thì cũng chỉ là những nhắc nhớ buốt đau, có thay đổi được gì đâu mà phải làm vỡ nát một hạnh phúc ấm êm mà Đăng đã cố công, cố sức gầy dựng cho tôi và các con[]

Ngân Bình

Nguồn: http://t-van.net/?p=26399