Phần 2: Sự Bành trướng của Trung Hoa

Ngay tầng lớp cai tri Trung Hoa vẫn còn ít về số lương; điều được nhận thấy rằng sẽ có lợi hơn cho quyền lực đế quốc khi cho phép các thủ lĩnh bản xứ của các thị tộc và các quận huyện [Việt] trở thành các địa chủ theo cung cách nhà Hán và thiết lập tại tỉnh xa xôi mối quan hệ  điền chủ – tá điền  và hệ thống chiếm hữu đất đai thay thế cho chế đố phong kiến thực thụ trước đây của Trung Hoa thời tiền đế quốc.  Được giáo dục, và được khuyến khích để chấp nhận các phong tục và các cách suy nghi của Trung Hoa, tầng lớp này có thể được tưởng thưởng bằng việc làm trong ngạch chức dịch của triều đình, và đổi lại sự cai trị của Trung Hoa đạt được sự sở hữu của mình trên phần đã từng là các vùng đất công của các thị tộc.  Một đặc điểm của lịch sử ban đầu của Việt Nam là các cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Hoa đã được lãnh đạo không phải bởi tầng lớp quý tộc tiểu địa chủ [sic], mà là bởi các nông dân.  Một đặc điểm khác không có mang tính chất Trung Hoa, nhưng phù hợp với phong tục Việt Nam, rằng một số trong các nhà lãnh đạo này phải là phụ nữ.  Các sự kiện này làm liên tưởng đến một sự cách biệt kéo dài giữa tầng lớp quý tộc tiểu địa chủ bị Hán hóa với giới nông dân là các kẻ, bị thất học, nên ít thụ nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa hơn.  Nếu sự áp đặt sự cai trị và văn hóa Trung Hoa trên người dân Quảng Đông, sau hơn hai nghìn năm, vẫn còn để lại trên sắc dân này nhiều tính chất đặc biệt và một sự khó chịu dai dẳng đối với sự thống trị của phương bắc, không mấy khó khăn để nhận thấy rằng cá tính dân tộc của người Việt Nam lại còn nổi bật một cách mạnh mẽ hơn nữa.  “Quảng Đông là của người Quảng Đông” đã là một khẩu hiệu phổ biến trong thời kỳ đầu của nền Cộng Hòa [Trung Hoa]; các người phương bắc đôi khi đã kinh ngạc tự hỏi là liệu nó đã không thực sự có nghĩa rằng “Trung Hoa là của người Quảng Đông hay sao”.  Tại Việt Nam một nghìn năm thống trị của người Trung Hoa cũng không thể xóa bỏ cảm thức “Việt Nam là của người Việt Nam” như  thế — mặc dù ở vị thế xa xôi của một tỉnh cũ, trong khi điều này giúp cho khát vọng này trở nên khả thi hơn, không cách nào có thể khơi dậy bất kỳ kỳ vọng nào về sự chế ngự của Việt Nam đối với chính quyền trung ương của chính đế quốc.

 

Thế kỷ đầu tiên của sự cai trị của Trung Hoa không ghi nhận bất kỳ cuộc nổi dậy quan trọng nào bởi dân chúng Việt Nam; Trung Hoa vẫn ở dưới một chế độ cai tri mạnh của nhà Tiền Hán, và mãi cho đến các năm đầu tiên của thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, các khó khăn nội bộ mới làm rung chuyển quyền lực đó.  Giữa năm thứ 9 và 23, ngôi vua bị tiếm đoạt bởi Vương Mãng (Wang Mang), và sau khi ông ta sụp đổ, Trung Hoa trong nhiều năm đã bị xáo trộn bởi cuộc nổi loạn của phong trào nông dân Hồng Mi (Red Eyebrows) và các cuộc nội chiến giữa các kẻ khát khao ngai vàng.  Nhà Hậu Hán, được thành lập bởi vị hoàng tử bàng hệ có vương hiêu trị vì là Hoàng Đế Quang Vũ (Kuang Wu), đã không củng cố được quyền lực trong một thập niên, và chính ở thời điểm này mà người Việt Nam đã vươn lên trong cuộc nổi dậy quan trọng đầu tiên của ho/.  Trong năm 39, hai chị em, bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, là thành viên của một gia đình lạc tướng, đã nổi dậy trong một cuộc khởi nghĩa và duy trì sự kháng cự của họ trong mười năm.  Sự đàn áp cuộc nổi dậy này trùng hợp rất khắng  khít với sự củng cố quyền lực của triều đại Hậu Hán vừa mới được phục hưng và được thi hành bởi một trong các viên tướng hàng đầu của tân Hoàng Đế Quang Vũ.  Chị em bà Trưng, cho dù bị thất bại, vẫn là các nữ anh hùng đối với người dân Việt Nam.  Họ có dựng đền thờ Hai Bà ở Hà Nội, và hãy còn được tôn kính như các nhà ái quốc.  Chu Ân Lai, Thủ Tướng Cộng Sản Trung Hoa, đà làm một cử chỉ khéo léo khi quỳ gôi trước bàn thờ Hai Bà lúc ông ta mở một cuộc thăm viếng cấp quốc gia ở Bắc Việt.  Ký ức được lưu giữ lâu đời tại Á Châu.

 

Sự trùng hợp giữa các thời kỳ suy yếu của Trung Hoa và các cuộc nổi dậy của Việt Nam chống lại sự thống trị của Trung Hoa có thể được quan sát liên tục tiếp diễn cho đến lúc có sự chấm dứt sự cai trị trực tiếp của Trung Hoa.  Trong năm 192, một cuộc nổi dậy với tầm mức rộng lớn khác đã làm rung động thẩm quyền của Trung Hoa, và chỉ ba năm trước đó, trong năm 189, đế quốc nhà Hán, với sự băng hà của Hoàng Đế Ling [?], đã bước vào thời kỳ xáo trộn chung cuộc của nó với nội chiến và tình trạng rối loạn căng thẳng còn gia tăng bởi một cuộc nổi dậy lớn lao khác của nông dân, phong trào Khăn Vàng (Yellow Turbans).  Cuộc nổi dậy năm 192 có vẻ không mang tính chất chủ yếu là Việt Nam, mà đúng hơn là một đợt bộc phát đầu tiên của người Chàm, các kẻ đã thiết lập vương quốc mới của họ tại vùng đã là khụ vực vươn xa xuống cực nam của tỉnh hạt thuộc Trung Hoa, bộ chỉ huy ở Nhật Nam (Jihnan) (Phía Nam của Mặt Trời), tương ứng với đồng bằng duyên hải nằm giữa Đà Năng và “Cửa Ải An Nam:  Annam Gate” (Porte d’Annam) ngày nay, gần đường giới tuyến hiện tại giữa Bắc và Nam Việt Nam.  Khu vực này đã bị mất về tay Trung Hoa.  Đến năm 222, Trung Hoa bị chia cắt thành Tam Quốc, và chính nước Ngô (Wu), quốc gia phía đông nam, đã thừa kế thẩm quyền Trung Hoa tại châu thổ sông Hồng.  Mặc dù Trung Hoa vẫn xác lập chủ quyền trên Nhật Nam, không có bằng có cho thấy bất kỳ thẩm quyền thực sự nào đã được tái lập sâu vê phía nam đến thế.  Xứ Chàm trong thực tế có gửi các sứ đoàn đến triều đình nhà Ngô trong năm 230, nhưng trong năm 248 một lần nữa đã tấn công tỉnh của Trung Hoa ở phía bắc và sau khi dành đạt một chiến thắng đáng kể, đã giữ lại khu vực ở sông Gianh [ghi là sông Giang (sic) trong nguyên bản, ND], phía nam châu thổ sông Hồng.  Sự suy yếu và phân hóa của Trung Hoa đã là các nguyên do chính của các cuộc xâm lăng này của người Chàm.  Trong năm 277, Tam Quốc được thống nhất ngắn ngủi bởi một triều đại mới, nhà Tấn (Tsin), thế nhưng chế độ này đã làm mất miền bắc Trung Hoa trước các cuộc xâm nhập của người Thát Đát (Tatar)vào năm 316, và từ đó chỉ cai trị miền nam không thôi.

 

Trong hai trăm năm kế đó, dưới thời nhà Nam Tấn và các triều kế thừa ở miền nam Trung Hoa, người Việt Nam đã không nổi dậy.  Có thể rằng mối đe dọa mới đặt ra bởi quyền lực của nước Chàm là một lý do tại sao người Việt Nam lựa chọn sự cai trị của Trung Hoa hơn là các sự mạo hiểm của cuộc nổi dậy, sẽ mang đến cho người Chàm một cơ hội để xâm lăng hơn nữa.  Mãi đến năm 543, cuộc nổi dậy của gia tộc họ Lý, với nhà lãnh đạo Lý Bôn, đã thành lập triều đại Việt Nam độc lập đầu tiên, nhà Tiền Lý, đã tạm thời mang sự cai trị của Trung Hoa tại Việt Nam đến chỗ kết thúc.  Vào lúc đó, nhà Lương (Liang) bên Trung Hoa đã tiến tới hồi chung cuộc của mình, và sự rối loạn và suy yếu đã sớm lật đổ chế độ và thay thế bằng nhà Ch’en (557-89), một triều đại ngắn ngủi và yếu ớt, không có khả năng kiểm soát phần lớn miền nam Trung Hoa, và chính vì thế, không thể tái thiết lập quyền lực của Trung Hoa tại Việt Nam.  Khi vào năm 589, nhà Tùy (Sui) tái thống nhất đế quốc và chấm dứt sự phân chia kéo dài giữa các triều đại người Thát Đát ở phương bắc và các triều đại Trung Hoa ở phương nam, không lâu sau đó họ đã xâm lăng Việt Nam và tái áp đặt sự thống trị của Trung Hoa.  Sớm bị thay thế (618) bởi triều đại nhà Đường (Tang) vĩ đại, cuộc tái chinh phục của nhà Tùy này đã được duy trì.  Các cuộc nổi dậy, trong đó có một cuộc khởi nghĩa quan trọng vào năm 722, đã bị trấn áp, và nhu cầu đối với nhà Đường nhằm duy trì một quân đội lớn lao trong nước để phòng thủ biên cương sát vương quốc Vân Nam đang vươn lên tại Nam Chiếu, đã khiến cho nền độc lập của Việt Nam không đạt tới được.  Nhà Đường, sau cuộc chinh phục, đã đổi tên nước là An Nan (có nghĩa An Nam), “Miền Nam đã được bình định: Pacified South”.

 

Trong hai trăm năm mươi năm sự cai trị của nhà Đường tại An nam không bị thách đố, và thời kỳ dài này trong đó xứ sở nằm dưới chính quyền Trung Hoa, một chính quyền được tổ chức chặt chẽ đến mức chưa hề có trước đây, và triều đại trị vì này lại được hỗ trợ bởi điều có lẽ là thời đại tuyệt diệu nhất của văn hóa Trung Hoa, đã tạo ra một ấn tượng sâu đậm trên người dân Việt Nam.  Nó đã không, như các biến cố diễn ra cho thấy, khuyến dụ họ bỏ qua khát vọng của mình là độc lập với Trung Hoa trong các vấn đề chính trị, nhưng nó đã tạo ra văn hóa Việt Nam trong khuôn mẫu Trung Hoa và vẫn còn ở trong khuôn mẫu đó kể từ lúc ấy.  Giới thẩm quyền Trung Hoa trước đó đã khởi sự công việc này, thời đại nhà Đường đã hoàn tất nó.  Khi Việt Nam trở thành độc lập, Việt Nam cho thấy không có y muốn phủ nhận di sản văn hóa mà nước này đã thụ đắc từ nhà Đường.

 

Trong năm 868 quân đội Trung Hoa tại Việt Nam, trú đóng nơi biên giới với vương quốc Nam Chiếu (giờ đây là biên giới bị đổi ngược giữa Trung Hoa và Bắc Việt Nam) nổi loạn.  Đội quân này đã không được trả lương từ lâu, và triều đình xa xôi bị đắm chìm vào tình trạng vô khả năng và lệ thuộc vào các viên chỉ huy quân sự cấp tỉnh.  Các kẻ nổi loạn đã quay về quê tại Trung Hoa và khởi động một chuỗi nội chiến và nổi dậy đi đến việc kết liễu triều đại nhà Đường trong vòng chưa đến bốn mươi năm.  Trung Hoa khi đó bị tan vỡ thành một số các quốc gia tranh liệt và riêng biệt, tất cả đều tuyên bố nắm trọn đế quốc, nhưng phần lớn chỉ kiểm soát một hay hai tỉnh, hay ngay khi chỉ có một tỉnh.  Chính trong tình trạng hỗn mang của sự xáo trộn này mà dân Việt Nam, noi theo khuôn mầu chung, đã nổi dậy và thành lập vương quốc riêng biệt của chính họ, vào năm 934.

 

Nhà Đinh, giờ đây đã nắm giữ quyền bính tại Việt Nam, đã là triều đại đầu tiên trong một chuỗi các triều đại duy trì nền độc lập của xứ sở cho đến khi có sự chinh phục của người Pháp trong thế kỷ thứ mười chín, với một khoảng đứt đọan ngắn hồi đầu thế kỷ thứ mười lăm.  Từ sự chấm dứt sự cai trị của Trung Hoa trong thế kỷ thứ mười, Việt Nam trong thực tế đã tự mình điều hành đất nước, cho dù một sự thừa nhận cẩn trọng quyền chủ tể của Trung Hoa có được đưa ra bởi tất cả các triều đại Việt Nam.  Trong thực tế, điều này có ý nghĩa rất ít; các tặng phẩm quý giá được trao như các cống phẩm, và các sứ giả đã nhận lại được các tặng phẩm còn xa hoa hơn để phô bày quyền lực và sự hào phóng của Hoàng Đế Trung Hoa.  Các nhà vua Việt Nam đã tìm kiếm và nhận được sự phê chuẩn sự lên ngôi của họ từ vị chủ tể của họ. Người Việt Nam chấp nhận dùng lịch theo triều đại Trung Hoa trị vì, một hành vi có vài ý nghĩa tôn giáo, và trong một vài cung cách có thể so sánh với việc treo cờ Anh Quốc (Union Jack) trong một số dịp bởi các thành viên tự cai trị và độc lập thực sự trong Khối Thịnh Vượng Chung Anh Quốc.  Trung Hoa đã không đảm nhận trách vụ bảo vệ Việt Nam, dù là để chống lại các kẻ thù ngoại lai, hay để giúp cho triều đại trị vì đập tan sự nổi dậy trong nội bộ.  Việt Nam cũng không có nghĩa vụ phải trợ giúp quân sự cho các cuộc chiến tranh của Trung Hoa.  Điều được thông hiểu là quốc gia triều cống không được xúc tiến các ý đồ hay cung cấp sự trợ giúp cho một kẻ thù của vị Hoàng Đế, và điều này cũng áp dụng cho các cá nhân riêng tư cũng như cho các nước ngoài.

 

Thỏa ước (Modus Vivendi) này đã không được đạt tới một cách tức thì: khi các sự xáo trộn tiếp diễn theo sau sự sụp đổ của triều đình nhà Đường bị kết thúc bởi sự đăng quang của triều đại mới, nhà Tống, năm 960, một ít năm đã trôi qua trước khi tân đế quốc được hoàn toàn củng cố bởi chính sách khéo léo của kẻ sáng lập triều đại.  Các quốc gia phương nam nơi mà đế quốc bị giải tán đã lần lượt được khuyến dụ quay về “trung thành thực sự” hay sẽ bị trấn áp, thường với sự kháng cự rất yếu, nếu chúng còn ngoan cố.  Cho đến mức công tác này đã được hoàn tất, không có gì thắc mắc về sự can thiệp của nhà Tống tại Việt Nam.  Vào năm 981 nhà Tống đã trở nên hoàn toàn được chấp nhận và thiết định.  Một cuộc viễn chinh khi đó được phóng ra để giải trừ “vương quốc chống đối” phương nam duy nhất còn lại, Việt Nam.  Có thể là hoàng đế nhà Tống và các cận thần cố vấn của ông đã không nhìn thấy sự khác biệt cụ thể nào giữa tỉnh huyện cũ ở An Nam với các vương quốc khác – hay “đế quốc” khác như họ vẫn tự xưng – khởi lên tại các tỉnh phía nam.  Tất cả đều là một phần của đế quốc nhà Đường và chính vì thế tất cả phải quay về thần phục nhà Tống.  Nhưng Việt Nam thì khác; chỉ mình Việt Nam mới có cá tính dân tộc thực sự của mình mạnh hơn các sự ràng buộc của nó với Trung Hoa, đặc biệt trong khía cạnh chính trị của mối quan hệ đó.  Việt Nam đã kháng cự, và với sự thành công.  Cuộc xâm lăng của nhà Tống bị đẩy lui.  Nó không bao giờ mưu toan xâm lăng nữa.  Việt Nam thừa  nhận quyền chủ tể của Trung Hoa, và các hoàng đế nhà Tống đã chấp nhận phương thuật giữ thể diện này.  Đây vẫn còn là chính sách của Trung Hoa từ thời điểm đó trở về sau, chỉ bị đảo ngược một lần duy nhất.  Nhà Tống trong thực tế đã gặp các vấn đề khác gây khó khăn cho họ.  Biên cương phía bắc, bất an kể từ khi có sự mất mát các phần đất kiểm soát các cửa ải xuyên qua Trường Thành, mà họ đã thất bại không tái chinh phục được, là khó khăn thường xuyên của họ.  Việt Nam là vấn đề nặng về uy tín hơn là an ninh quốc gia, nó có thể để yên thân một mình.

 

Các sự thay đổi triều đại ở Việt Nam, diễn ra bởi các cuộc nổi dậy hay đảo chính cung đình, đã không cám dỗ nhà Tống nắm giữ lấy bất kỳ cơ hội nào như thế.  Năm 1010, chỉ hai mươi năm sau sự đẩy lui cuộc xâm lăng của nhà Tống, một triều đại mới, nhà Lý, đã lên nắm quyền bính ở Việt Nam.  Nó tức thời tái tục mối quan hệ chủ tể – cống nạp hiên hữu với đế quốc nhà Tống, và được chấp nhận.  Kế đó khi bị di chuyển trong năm 1225, đế quốc nhà Tống đã mất miền bắc Trung Hoa vào tay người Kim Thát Đát xâm lăng và đã được thiết lập tại miền nam, ở Hàng Châu, kiểm soát thung lũng sông Dương Tử và mọi lãnh thổ phía nam con sông đó.  Trong những thời kỳ trước, sự di chuyển quyền lực trung ương của Trung Hoa xuống miền nam đồng nghĩa với một khuynh hướng mở rộng đất biên giới phía nam.  Điều được nghĩ trong thực tế rằng đã có một phong trào đáng kể của dân chúng miền bắc xuống vùng Nam Hoa lúc bấy giờ, nhưng được hòa nhập trong vòng các biên cương hiện hữu của đế quốc nhà Tống.  Miên nam Trung Hoa đã phát triển mau chóng trong thời kỳ này, nhưng áp lực không đủ mạnh để đẩy nhà Tống vào các cuộc chiến tranh chinh phục ra ngoàì lãnh địa của nó.  Hơn nữa, Trung Hoa đã phải phòng vệ một biên cương miền bắc mở ngỏ dọc theo bờ ranh không xác định của dải đất viền phía bắc lưu vực sông Dương Tử, một vùng không có biên cương tự nhiên, đặc biệt tại phần phía đông.

 

Triều đại mới của Việt Nam, nhà Trần [ghi sai là Tranh trong nguyên bản, chú của người dịch], được để yên bởi nhà Nam Tống, nhưng không quá lâu, đã phải đối diện với nỗi nguy hiểm khổng lồ của các cuộc xâm lăng của Mông Cổ.  Khi nhà Trần lên nắm quyền bính, nhà Tống đã sẵn bị tấn công bởi các chủ nhân mới của miền bắc Trung Hoa, và của một đế quốc trải ngang qua Á Châu cho đến trung tâm nước Nga.  Sự chính phục nhà Nam Tống bởi người Mông Cổ là một tiến trình chậm rãi, lâu dài, bị kháng cự mãnh liệt trong bốn mươi năm.  Phải đợi mãi đến năm 1278 ham đội nhà Tống cuối cùng mới bị triệt hạ ngoài khơi Hồng Kông và triều đại sau rốt bị hủy diệt.  Năm năm sau đó, trong năm 1284, Kubilai Khan, Hoàng Đế người Mông Cổ của Trung Hoa là người mà người Trung Hoa nhìn nhận như nhà cai trị chính thống đầu tiên của đế quốc (mặc dù các tiền nhân của ông ta, trở lùi lại từ Genghiz, trong thực tế đã đô hộ miền bắc Trung Hoa trong bảy mươi năm), đã xâm lăng Việt Nam.  Người Việt Nam, đối diện với uy thế của quyền lực quân sự lớn nhất trên thế giới vào lúc bấy giờ, đã dựa vào phương sách chiến tranh du kích; các thành phố bị bỏ hoang cho quân xâm lược, cuộc kháng chiến tập trung tại vùng rừng núi.  Các đội quân Mông Cổ chủ yếu là kỵ binh, và khí hậu cũng như địa thế của Việt Nam thì bất lợi cho các lực lượng của họ.  Các cuộc xâm lăng đã tái diễn trong ba hay bốn năm, nhưng các sự tổn thất vì bệnh tật và tính chất bất quyết của cuộc chiến tranh cuối cùng khiến Kubilai quyết định rằng Việt Nam không đáng để khổ công và gánh chịu sự tổn thất; ông ta đã chấp nhận cống phẩm của các nhà lãnh đạo triều Trần và triệt thoái các đội quân bị hao hụt của mình.  Ở thời điểm này, điều cần phải được nhấn mạnh, “Việt Nam”, hay An Nam như được gọi bởi người Trung Hoa, hãy còn chỉ bao gồm châu thổ sông Hồng và dải duyên hải xuôi nam cho đến vùng thuộc vĩ tuyến thứ 17.  Cuộc “Nam Tiến: March to the South” vĩ đại mới chỉ bắt đầu.  Triều đại  nhà Trần chỉ cai trị phần giờ đây là Bắc Việt Nam.

 

Triều đại đó kéo dài hơn chính triều đại nhà Nguyên Mông Cổ của Trung Hoa.  Trong năm 1400, khi nó bị sụp đổ, nhà Minh, tượng trưng cho sự phản công của Trung Hoa, đã đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi Trung Hoa và dưới Hoàng Đế Vĩnh Lạc dũng mãnh đã thúc đẩy sự xác quyết lòng trung thành với nó vào thế giới các vương quốc phương nam, bằng cả đường biển lẫn đường bộ.  Một ít năm sau khi có sự sụp đổ của nhà Trần, năm 1407, Hoàng Đế Vĩnh Lạc, được nghĩ đã quyết định rằng ông không cần nhìn nhận các kẻ kế ngôi nhà Trần, đã xâm lăng và chinh phục xứ sở.  Như sẽ được nhận thấy, vương quốc này đã sẵn mở rộng về phía nam đến tận Đà Nẵng, nhưng xem ra sự cai trị của Trung Hoa chưa hề được thiết lập một cách thực vững chắc tại các vùng đất mới phía nam này.  Dù sao đi nữa, sự thống trị đã không kéo dài.  Chính Vĩnh Lạc đã mất đi năm 1425, và đã có một sự kế vị mau lẹ của các vị hoàng đế vắn số tại Trung Hoa, làm suy yếu chính quyền.  Trong năm 1427, một cuộc nổi dậy đã sẵn bị phá tan chin năm trước vào năm 1418 dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, đã đánh bại quân Trung Hoa gần thành phố biến giới, Lạng Sơn, thu đoạt được thắng lợi quyết định và tái chiếm kinh đô, Hà Nội.  Các hoàng đế nhà Minh, giống như các kẻ tiền nhiệm nhà Tống, sau đó đã chấp nhận cống phẩm dâng tặng bởi Lê Lợi, người đã thành lập triều đại Việt Nam mới.  Cuộc xâm lăng của Vĩnh Lạc đã là nỗ lực sau cùng bởi các nhà lãnh đạo Trung Hoa nhằm sáp nhập Việt Nam thành một tỉnh thuộc đế quốc Trung Hoa.  Khi các người Mãn Châu thừa kế ngai vàng trong thế kỷ thứ mười bảy, họ đã thực hiện một vài sự biểu dương quân sự với Việt Nam, nhưng đã mau chóng chấp nhận mối quan hệ chính trị hiện hữu được thiết lập trước tiên dưới thời nhà Tống.  Chính vì thế, trong hơn một nghìn năm, kể từ khi thâu đạt được nền độc lập năm 939 cho đến cuộc chinh phục của Pháp hồi cuối thế kỷ thứ mười tám, Việt Nam trong thực tế là một quốc gia độc lập, ngay dù nó vẫn là một nước nằm dưới ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ và liên tục của Trung Hoa.

 

Sự cai trị của Trung Hoa đã từng được áp dụng trên một khu vực nhỏ hơn nhiều của vương quốc phát sinh sau khi nền độc lập đã đạt được.  Điều đó có lẽ là một lý do tại sao nhà Đường và trước đó, các đế quốc yếu hơn chẳng hạn như các đế quốc miền nam Trung Hoa giữa thời nhà Hán và nhà Đường, đã có thể duy trì thẩm quyền của chúng tại tỉnh hạt xa xôi này.  Về phía người Việt Nam trong các thế kỷ này đã bị ngăn trở khỏi cuộc mở rộng về phía nam bởi có sự hiện diện của vương quốc Chàm hiếu chiến mở các cuộc tấn công cướp bóc bằng đường biển trên vùng duyên hải.  Sự bảo hộ của đế quốc Trung Hoa là cần thiết và đã phải trả giá với sự cai trị trực tiếp của Trung Hoa.  Gần như tức thời sau khi nền độc lập đã đạt được vào đầu thế kỷ thứ mười sau Công Nguyên, tình trạng này đã thay đổi.  Một nguyên do chính là sự gia tăng dân số tại châu thổ sông Hồng phì nhiêu dưới sự cai trị lâu dài và yên ổn của nhà Đường.  Áp lực đòi hỏi các vùng đất mới để định cư, và trong bản chất là một dân tộc trồng lúa gạo, người Việt Nam đã tìm thấy các mảnh đất này dọc theo dải duyên hải phì nhiêu, chứ không phải tại miền núi phía tây giáp ranh với Vân Nam.  Vùng đồi núi khi đó, như bây giờ, phần lớn được cư trú bởi các bộ tộc không thuộc sắc dân Việt Nam [sic], thường thù nghịch với dân ở đồng bằng; điều đáng làm hơn nhiều là chiếm giữ khu đất tốt dọc duyên hải hơn là mở các cuộc chinh phục khó khăn dành giựt đất xấu hơn tại miền núi.

 

Trong năm 982 triều đại mới nhà Đinh, mới chỉ lên nắm quyền bính khoảng bốn mươi năm trước đó, đã đủ mạnh để xâm lăng xứ Chàm và lục soát kinh đô của nó, khi đó nằm ở phía bắc của xứ đó.  Việt Nam có giữ lại một vài lãnh thổ đã chinh phục, nhưng cuộc nam tiến được tái tục bởi triều đại Việt Nam kế tiếp, nhà Lý (1010-1225), vào năm 1069, đã sáp nhập tất cả vùng đất của Chàm sâu đến vĩ tuyến thứ 17, có nghĩa, là phần thuộc Bắc Việt Nam bây giờ.  Rõ ràng là các cư dân Chàm đã không chỉ bị chinh phục – hay hạ sát – các kẻ sống sót bị xua đuổi, đi tìm nơi ẩn náu tại các phần đất phía nam quê hương của họ.  Cuộc chinh phục của Việt Nam không chỉ là một cuộc xâm lược để áp đặt quyền thống trị và thu thuế, nó được trù hoạch với chủ ý dành đạt lãnh địa mới cho sự định cư của người Việt Nam.  Mục tiêu này được chứng tỏ là động lực thống nhất và khát vọng của chế độ mới độc lập.  Các nông dân, chen chúc tại các khu đất thiếu hụt của châu thổ sông Hồng, muốn có các vùng đất mới để chạy trốn nạn nghèo đói gia tăng tại các làng xã quá đông đúc.  Tầng lớp địa chủ — giới mà chế độ Cộng Sản ngày nay gọi là “phong kiến”, chỉ là giới trung nông có sở hữu đất đai trong thực tế phần lớn được tuyển dụng bởi chính quyền làm các viên chức giống như ở Trung Hoa – đã muốn có điền sản mới; cả hai tầng lớp vì thế hậu thuẫn cho các cuộc chiến tranh chinh phục và định cư.  Đặc tính cuộc di dân nam tiến của Việt Nam chính vì thế rất giống với tính chất của cuộc nam tiến của Trung Hoa trong vùng ngày nay là các tỉnh phía nam Trung Hoa.  Nhưng tại Việt Nam đã không có chỗ hay mong muốn sự có mặt của dân định cư Trung Hoa: người Việt Nam tự họ đã quá đông đảo.  Họ mang văn hóa và phong tục Trung Hoa cùng với họ xuống miền nam, nhưng cuộc bành trướng vĩ đại đã không mang tính chất Trung Hoa về mặt nhân lực hay trong sự chỉ đạo.  Sự thống trị của Trung Hoa tại Việt Nam đã kết liễu trước khi nó khởi sự.

Xin xem tiếp phần 3