Tổng thống Mỹ Donald Trump xây dựng quân đội vĩ đại nhất trong lịch sử

Thẳng thừng tuyên bố “nước Mỹ đang tụt hậu về năng lực hạt nhân”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Mỹ cần tăng ngân sách quốc phòng để “xây dựng quân đội vĩ đại nhất trong lịch sử”, duy trì sức mạnh của một nước lớn – ám chỉ sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc.

Những chuyển động đầu tiên

Tổng thống Trump đã không che đậy ý muốn cải tổ và xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân để đảm bảo rằng quân đội Mỹ luôn có năng lực vượt trội về lĩnh vực này. Đây là bình luận đầu tiên của ông về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ kể từ khi nhậm chức ngày 20/1 vừa qua. Tuy luôn đề cao một thế giới không vũ khí hạt nhân, song ông Trump vẫn tỏ ra quan ngại trước việc “Mỹ bị tụt hậu về năng lực hạt nhân”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn Mỹ tụt hậu về năng lực hạt nhân.

Phát biểu trước báo giới, ông Trump nói: “Sẽ là một giấc mơ tuyệt vời rằng không nước nào có vũ khí hạt nhân, song nếu các nước có vũ khí hạt nhân thì chúng ta sẽ phải đứng đầu”. Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh số liệu thống kê của “Quỹ Lưỡi cày” – một nhóm phản đối hạt nhân – cho thấy số đầu đạn hạt nhân của Mỹ hiện ít hơn so với Nga (6.970 so với 7.300 đầu đạn).

Tổng thống Trump đồng thời “chê” Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược mới (START Mới) giữa chính phủ tiền nhiệm của Mỹ và Nga là một “thỏa thuận phiến diện và tệ hại”, theo đó để ngỏ khả năng sẽ “tạo ra những thỏa thuận mới có ích lợi hơn”.

Mỹ đang triển khai chương trình 30 năm nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ngày càng lạc hậu, bao gồm việc phát triển các oanh tạc cơ mang bom hạt nhân, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân bố trí trên bộ (trong hầm ngầm) và trên tàu ngầm hạt nhân. Có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng tổng chi phí dự kiến 1.000 tỉ USD cho chương trình này là quá sức về tài chính đối với Mỹ.

Chuyển động thứ hai của chính quyền Tổng thống Trump là tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 603 tỷ USD để “tái thiết quân đội suy yếu của nước Mỹ”. Ông cũng đề xuất cấp thêm ngân quỹ cho Lầu Năm Góc để nâng cấp phi đội máy bay quân sự, đóng tàu, cũng như thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn của quân đội Mỹ tại các tuyến hàng hải then chốt hoặc các “điểm nóng” quốc tế, như Eo biển Hormuz hay Biển Đông. Đây là một bước ngoặt trong chi ngân sách quốc phòng của Mỹ khi trong nhiều năm qua, chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama liên tục cắt giảm chi tiêu cho quân sự.

Đích ngắm của Nhà Trắng

Theo giới chuyên gia, các tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Trump thể hiện rõ ràng thái độ của nhà lãnh đạo này đối với tiềm lực quốc phòng của Mỹ đặt trong mối tương quan với các cường quốc – đối thủ là Nga và Trung Quốc cũng như nhằm răn đe Triều Tiên, nước mà các chính quyền tiền nhiệm tại Mỹ đưa vào cái gọi là “trục ma quỷ”.

Trước tiên là với Trung Quốc. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đang có chuyến thăm chính thức và làm việc với chính phủ mới của Mỹ trong bối cảnh hai nước đang có dấu hiệu căng thẳng xung quanh vấn đề thương mại và Biển Đông. Trước đó, Bắc Kinh đã phải dùng rất nhiều kênh ngoại giao, kể cả cách “đi cửa sau” như tiếp cận các thành viên trong gia đình ông Trump, nhằm cải thiện quan hệ nhưng vẫn không thu được nhiều kết quả.

Thêm vào đó, Mỹ và Hàn Quốc đang tích cực thúc đẩy kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc – điều mà Trung Quốc đang phản đối mạnh mẽ, coi đây là hành động hủy hoại nghiêm trọng sự cân bằng chiến lược trong khu vực và những lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc và Nga. Triển khai THAAD ở Hàn Quốc, Mỹ cũng nhằm hướng tới Triều Tiên và gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.

Trong quan hệ với Nga, tăng cường tiềm lực hạt nhân là một lựa chọn mà Tổng thống Trump theo đuổi khi ông cho rằng Nhà Trắng cần phải ngang bằng Điện Kremlin trong vấn đề này, và cần có những điều chỉnh đối với thỏa thuận START Mới hoặc thậm chí thay bằng một văn kiện mới hoàn toàn. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích việc Nga triển khai các tên lửa hành trình tấn công trên mặt đất là sự vi phạm Hiệp ước 1987 cấm các tên lửa tầm trung của Nga và Mỹ trên mặt đất.

START mới quy định đến tháng 2/2018, mỗi nước phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai xuống còn không quá 1.550 đầu đạn, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ngoài ra, hiệp ước này cũng giới hạn số tên lửa triển khai trên đất liền và tàu ngầm, cũng như số máy bay ném bom có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích tại chỗ nhận định sau những quyết sách mạnh tay trong các vấn đề dân sinh đối nội như tạo việc làm, chăm sóc y tế, lao động nhập cư… giờ đây, Tổng thống Trump đang hướng sự chú ý của dư luận và chính giới tới những vấn đề an ninh vĩ mô hơn. Và tất cả đều không nằm ngoài tuyên ngôn của ông về một “nước Mỹ là trên hết”.