Trung Quốc thừa nhận đưa vũ khí ra đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trung Quốc thừa nhận đưa vũ khí ra đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trung Quốc thừa nhận đưa vũ khí ra đảo nhân tạo ở Biển Đông
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới thăm Australia hôm 23/3.

Hôm nay (24/3), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận nước này đã đưa hệ thống quốc phòng ra các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Reuters đưa tin theo ông Lý, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông và sự xuất hiện của các hệ thống vũ khí trên đảo nhân tạo chỉ nhằm duy trì “tự do hàng hải”.

Trong thời gian qua, dư luận quốc tế nhiều lần lên tiếng phản đối hành động Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm chủ quyền và tiến hành xây dựng trái phép quy mô lớn ở Biển Đông. Nhưng khi phát biểu trước giới báo chí ở Australia, ông Lý lại cho rằng đây chỉ là các công trình phục vụ mục đích dân sự.

“Các cơ sở, đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng chỉ chủ yếu phục vụ mục đích dân sự. Nếu như Trung Quốc trang bị các thiết bị quốc phòng và cơ sở ở đảo nhân tạo, hành động này chỉ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc.

Mỹ cho rằng trong 3 năm qua, Trung Quốc đã cải tạo trái phép hơn 1.300 hecta để xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo đồng thời xây dựng đường băng, cầu cảng, nhà kho chứa máy bay và các thiết bị liên lạc ở Biển Đông.

Để bảo vệ quyền tự do hàng hải, hải quân Mỹ cũng đã tiến hành tuần tra gần khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép. Hành động của Mỹ khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.

Trước đó, hôm 23/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết Manila sẽ chia sẻ nguồn tài nguyên biển với Trung Quốc trong khu vực mà tòa quốc tế công nhận Philippines có chủ quyền ở Biển Đông.

“Ngay cả khi tôi muốn khai thác mọi thứ nhưng chúng ta không có tiền. Trang bị một giàn khoan dầu hay bất cứ thứ gì, chúng ta cũng không đủ năng lực. Do đó, tôi sẽ cân nhắc tới việc chia sẻ tài nguyên”, ông Duterte phát biểu trước các quan chức ở Manila.

Ông Duterte cũng khẳng định Trung Quốc và Philippines sẽ tiến hành thảo luận kỹ lưỡng về động cơ của Bắc Kinh khi đồng ý khai thác nguồn tài nguyên biển trong khu vực Manila được tòa quốc tế công nhận có chủ quyền ở Biển Đông.

Tổng hợp