Đồng Tâm: Vấn đề nổi cộm

Dân chúng xã Ðồng Tâm, huyện Mỹ Ðức vẫn tử thủ, không phóng thích khoảng 30 con tin gồm: Cảnh sát cơ động, công an địa phương và một số viên chức tham gia cưỡng chế, thu hồi đất.

Song song với chuyện công an thành phố Hà Nội khởi tố “vụ án ‘Gây rối trật tự công cộng’ xảy ra ở xã Ðồng Tâm, huyện Mỹ Ðức” và vây kín khu vực có khoảng 6,000 dân này, chính quyền thành phố Hà Nội phát lời kêu gọi dân chúng xã Ðồng Tâm “tỉnh táo, bình tĩnh, hợp tác với các cơ quan chức năng, không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật, đồng thời, kêu gọi những người đang giam giữ cán bộ và chiến sĩ công an trái pháp luật lập tức thả người, đảm bảo an toàn tính mạng cho những người đang thực thi nhiệm vụ, chấm dứt mọi hành vi vi phạm pháp luật.”

Hệ thống công quyền kích động nổi loạn 

Tuy nhiên những thông tin mới được bạch hóa cho thấy, “đối tượng xấu lợi dụng, kích động” khiến bạo động bùng phát (rào làng, bắt giữ cảnh sát cơ động, công an và viên chức địa phương, đòi phóng thích những người bị bắt giữ trái phép) hôm 16 Tháng Tư lại là các viên chức từ xã, huyện đến thành phố Hà Nội. Tuy dân chúng đã cung cấp hàng loạt bằng chứng cho thấy hàng loạt viên chức “vi phạm pháp luật” nhưng thay vì giải quyết tố cáo của dân chúng, chính quyền thành phố Hà Nội lại tổ chức trấn áp. Vụ nổi loạn là do “tức nước, vỡ bờ.”

Hôm 17 Tháng Tư, người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển cho nhau một video clip, ghi lại cuộc trao đổi giữa một cụ ông với nhiều viên chức, sĩ quan quân đội và phóng viên, giải thích tại sao dân chúng xã Ðồng Tâm lại chống việc “cưỡng chế, thu hồi đất quốc phòng.”

 

Trong video clip dài 16 phút này, cụ ông vừa kể cho biết, dân xã Ðồng Tâm chịu nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường: Thập niên 1960, xã Ðồng Tâm mất 300 héc ta đất vì chính quyền Việt Nam muốn xây dựng một trường bắn (trường bắn Miếu Môn). Thập niên 1980, xã Ðồng Tâm mất thêm khoảng 54 héc ta đất nữa vì chính quyền Việt Nam muốn xây thêm một phi trường quân sự tại đó (phi trường Miếu Môn). Tuy nhiên kế hoạch xây dựng phi trường quân sự bất thành. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Ðồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ Ðoàn 28 thuộc quân chủng Phòng Không-Không Quân (phía được giao quản lý 54 héc đất bị thu hồi) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ Ðoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó đến nay.

Cụ ông khẳng định, dân chúng xã Ðồng Tâm chưa bao giờ chiếm dụng “đất quốc phòng” dù xét về nguồn gốc, “đất quốc phòng” chính là đất của họ và thu hồi xong, chính quyền để hoang, không thực hiện bất kỳ “dự án an ninh, quốc phòng” nào, thậm chí còn “phát canh, thu tô.”

Ðáng lưu ý là năm 2007, Lữ Ðoàn 28 đã hoàn tất thủ tục giao lại 6.78 héc ta trong số 54 héc ta từng bị trưng dụng cho chính quyền huyện Mỹ Ðức. Lữ Ðoàn 28 chỉ giữ lại 47.3 héc ta đất đã trưng dụng của xã Ðồng Tâm. Cụ ông khẳng định, dân chúng xã Ðồng Tâm không hề đòi hay đụng đến 47.3 héc ta đang nằm dưới quyền kiểm soát. Họ chỉ khiếu nại, đòi công bằng đối với việc sử dụng 6.78 héc ta đã được Lữ Ðoàn 28 giao lại.

Ðồng Tâm: Từ chống tham nhũng đến nổi loạn
Ðường vào xã Ðồng Tâm, huyện Mỹ Ðức ngày 17 Tháng Tư. (Hình: Lê Văn Luân)

Mảnh đất diện tích 6.78 héc ta này đã được chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho hàng loạt người được cụ ông hài tên một cách rành rọt. Nhiều người trong số này vốn chỉ bị trưng dụng một vài trăm mét vuông đã được hoàn trả tới… vài chục ngàn mét vuông. Mảnh đất diện tích 6.78 héc ta đã được phân lô bán cho nhiều người. Người mua có đầy đủ giấy tờ chứng minh họ đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí,…

Năm 2016, sau khi thanh tra theo “khiếu nại, tố cáo” của dân chúng xã Ðồng Tâm, chính quyền thành phố Hà Nội thông báo “thu hồi” 6.78 héc ta với lý do đó là “đất quốc phòng” để giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Trong video clip, cụ ông nêu ra hàng loạt thắc mắc. Tại sao lại xác định 6.78 héc ta ấy là “đất quốc phòng” khi Lữ Ðoàn 28 đã tổ chức giao lại từ năm 2007? Nếu 6.78 héc ta đất này là “đất quốc phòng,” tại sao Bộ Quốc Phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế, thu hồi”? “Cưỡng chế, thu hồi” xong thì trách nhiệm của những viên chức từ xã, huyện đến thành phố đã tham gia phân chia mảnh đất này một cách bất minh sẽ được thực hiện ra sao?…

 

Cũng theo lời cụ ông, chính quyền thành phố Hà Nội đã từng tổ chức “cưỡng chế, thu hồi” 6.78 héc ta “đất quốc phòng” hôm 14 Tháng Mười năm 2016. Tuy nhiên 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội, không hoàn thành nhiệm vụ vì dân chúng xã Ðồng Tâm phản ứng quyết liệt.

Ngày 16 Tháng Tư, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ ông đã từng đứng ra tố cáo như vừa kể và một số người khác đến chứng kiến việc “phân ranh, cắm mốc” xác định lại diện tích “đất quốc phòng.” Tất cả những người được mời đều đã bị bắt, bị khởi tố vì “gây rối trật tự công cộng.”

Chính quyền không nhận sai, chỉ muốn thắng 

Một luật sư tên Lê Văn Luân vừa kể trên trang facebook của ông rằng, sáng 17 Tháng Tư, ông và Luật Sư Trần Vũ Hải đã tìm cách lọt vào xã Ðồng Tâm, tiếp xúc với dân chúng trong xã. Ông Luân cho biết: “Dân không còn tin tưởng vào ai nữa.” Họ nói: “Chúng tôi bị lừa quá nhiều rồi.”

Từ lời của dân chúng, ông Luân nhận xét: “Có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng nhưng không được giải quyết, tích tụ từ nhiều năm nay, dẫn đến sự uất ức khó bề giải tỏa của người dân và khi ông cụ 83 tuổi, người có uy tín đối với bà con bị quật ngã, mang đi trước sự chứng kiến của hàng trăm con người thì đó chính là giọt nước làm tràn ly – khiến sự việc bùng lên trong sự căm giận của hàng ngàn người dân nơi này.”

Theo ông Luân: “Ðồng Tâm đang mang sức nóng của một lò lửa thực sự. Chúng tôi cảm nhận rất rõ điều đó.” Ông Luân kể thêm, tin dân chúng xã Ðồng Tâm tẩm xăng vào quần áo của các con tin là không đúng. Dân xã Ðồng Tâm khẳng định, dù thiếu ăn nhưng họ vẫn lo đủ suất cơm 30,000 đồng mỗi bữa cho các con tin.

Tin từ một số facebooker khác cho biết, chính quyền thành phố Hà Nội đã cắt toàn bộ điện, nước cung cấp cho xã Ðồng Tâm. Song song với thông báo liên tục được gửi đến những người đang tử thủ rằng: “Các công dân bị bắt giữ đã nhận thức rõ và mong muốn hợp tác với chính quyền để sớm ổn định tình hình an ninh trật tự, nhất là an toàn và ổn định cuộc sống người dân.” 

 Sáng 18-4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có thông tin cụ thể, chi tiết về diễn biến vụ việc phức tạp xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức mấy ngày vừa qua.

Thông tin mới nhất về vụ việc ở Mỹ Đức
Khu vực  xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trên bản đồ

Theo đó, hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết và triển khai các biện pháp ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương này.

Đất chính phủ giao Bộ Quốc phòng từ năm 1980

Theo thông tin này, từ năm 1980, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).

Đến tháng 10-2014, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng Phòng không không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng), với các mốc giới trên thực địa không thay đổi.

Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không không quân đang quản lý, sử dụng để giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).

Một số người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) đã lấn chiếm đất canh tác, xây dựng công trình trên diện tích này.

Do có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng nên người dân trên địa bàn xã Đồng Tâm đã có đơn thư khiếu tố lên các cơ quan của huyện và thành phố.

Trong đơn có 48 nội dung khiếu tố các cá nhân và chính quyền các cấp: có 25 nội dung có cơ sở, 23 nội dung không có cơ sở, huyện Mỹ Đức đã giải quyết khẩn trương, nghiêm túc, có trách nhiệm nhưng còn nhiều nội dung chưa được đồng thuận, thành phố đã giải quyết 15 nội dung công dân còn chưa đồng thuận.

Về vấn đề này, huyện Mỹ Đức và thành phố đã nhiều lần tổ chức đối thoại, nghiêm túc giải quyết nhiều nội dung khiếu tố và vẫn đang tập trung giải quyết.

Ngày 31-10-2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kết luận nội dung tố cáo của một số công dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức không có cơ sở để giải quyết, giao UBND huyện Mỹ Đức tuyên truyền, giải thích để công dân rõ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, các cơ quan chức năng của thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại, trả lời và giải quyết nhiều kiến nghị của người dân, nhưng số công dân khiếu kiện vẫn ngoan cố, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, UBND huyện đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành xuống tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân theo phương châm “3 cùng”.

Tuy nhiên, khi các tổ công tác của huyện Mỹ Đức đến nhà từng người dân xã Đông Tâm để vận động, tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương, số công dân khiếu kiện tại đây đã không tham gia ký và vận động người dân không ký vào văn bản cam kết không xâm lấn đất quốc phòng.

Theo thông tin của báo tuổi trẻ

”Cũng theo thông tin của Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp, liên quan chủ yếu đến việc số công dân khiếu kiện tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng.

Mặc dù các nội dung khiếu nại, tố cáo của số công dân xã Đồng Tâm liên quan đến diện tích đất quốc phòng tại khu vực đồng Sênh đã được cơ quan chức năng của huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng giải quyết và khẳng định diện tích đất tại khu vực đồng Sênh là đất quốc phòng.

Tuy nhiên số công dân khiếu kiện vẫn không đồng tình và tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tại địa phương, nhất là khi Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel nhận bàn giao diện tích đất trên để thi công.

Giữa tháng 11-2016, số công dân khiếu kiện tổ chức nhiều hoạt động để ngăn cản, gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng diện tích đất quốc phòng tại khu vực 14 hộ dân đang sử dụng như: tụ tập đông người ngăn cản các cơ quan chức năng của huyện tiến hành đo đạc diện tích đất trên; gây mất an ninh trật tự tại khu vực kiểm đếm, tổ chức tuần hành đông người kéo đến Trụ sở tiếp dân của Trung ương để gửi đơn khiếu kiện…

Đáng chú ý từ giữa tháng 2-2017 đến nay, khi Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tổ chức triển khai việc thi công dự án A1 thì số công dân khiếu kiện tại địa bàn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh tại địa bàn và khu vực đất quốc phòng trên, với tính chất phức tạp ngày càng tăng.

Liên tiếp nhiều ngày trong tháng 2-2017, số công dân khiếu kiện đã vận động người dân trên địa bàn tổ chức ngăn cản các đơn vị Quốc phòng cắm biển, chăng dây xác định mốc giới diện tích đất Quốc phòng; tự ý thu giữ số dây phản quang và nhổ biển báo “Khu vực quân sự” tại khu vực này; đưa máy móc (4 máy cày, 1 máy xúc), thiết bị, vật tư nông nghiệp vào khu vực đang thi công để canh tác…

Nghiêm trọng hơn, số đổi tượng trên còn tổ chức cho nhiều người dân tự ý lấn chiếm, cày bừa, canh tác trên diện tích đất Quốc phòng tại khu vực đồng Sênh, gây khó khăn cho đơn vị Quân đội trong quá trình triển khai thi công dự án A1.

Trong các ngày 1-3 và 7-3-2017, số công dân khiếu kiện tại địa bàn đã tổ chức tập trung đông người tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm khi các đoàn công tác của huyện đến thực hiện nhiệm vụ.

Số người này có nhiều hành vi gây mất ANTT như: gây mất trật tự tại phòng họp nơi đoàn công tác đang làm việc; sử dụng hệ thống loa phóng thanh (tự chế) để tuyên truyền trái phép trong khu vực UBND xã và trước cửa phòng họp của Tổ công tác Huyện ủy Mỹ Đức; tụ tập đông người trước cổng UBND xã, đóng cổng UBND xã không cho các phương tiện của đoàn công tác của huyện rời khỏi trụ sở UBND xã.

Khi lực lượng công an huyện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đoàn công tác thì các đối tượng ngăn cản, tung tin bịa đặt “xe công an đâm chết người” gây kích động quần chúng…

Bên cạnh đó, các công dân khiếu kiện liên tiếp có các hoạt động vi phạm tại khu vực đất đồng Sênh. Cụ thể ngày 10-3, dựng trái phép 1 lều với lý do để bảo vệ diện tích hoa màu đang gieo trồng, dựng cổng chào bằng tre, gỗ hướng thẳng vào lều.

Trong các ngày 13, 14, 15, 16 – 3, họ đã đổ đá mạt làm đường rộng 2,5 dài khoảng 20m từ khu vực cổng chào vào đến lều dựng trái phép; đào và xây giếng khơi xây bể nước, cắm cờ dọc đường 429 trong khu vực đất đồng Sênh, căng 3 băngrôn tại các điểm ranh giới đất đồng Sênh với nội dung “Đất từ đây trở xuống là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm”.

Ngày 16-3, xây dựng trái phép 1 gian nhà lợp mái tôn diện tích khoảng 12m2 ngay cạnh vị trí lều tạm.

Ngày 17-3, tiếp tục dựng trái phép 1 gian bếp để phục vụ việc sinh hoạt của số đối tượng trực gác tại đây.

Cùng với việc lấn chiếm trái phép đất Quốc phòng tại khu vực đồng Sênh, số công dân trên còn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, như: công khai sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền trái phép nhiều nội dung dung kích động, xuyên tạc sự thật về đất Quốc phòng;

Tụ tập đông người kéo đến trụ sở UBND xã để phản ứng với chính quyền địa phương khi đài truyền thanh huyện phát các thông tin chính thống về khu vực đất Quốc phòng; tập trung đông người tại đồng Sênh (thường xuyên có từ 50 – 300 người tập trung để tham gia xây dựng và ủng hộ số công dân khiếu kiện);

Chửi bới, lăng mạ cán bộ chính quyền xã tại nhà riêng; cắt loa phát thanh của xã nhằm ngăn cản công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng; kích động một bộ phận quần chúng nhân dân buộc con em mình nghỉ học.

Thông tin mới nhất về vụ việc ở Mỹ Đức
Người dân đổ đất đá, mang nhiều vật dụng ra chốt chặn các ngả đường dẫn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm – Ảnh: Thân Hoàng

Tiếp tục ổn định tình hình

Thông tin của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được, xét thấy mức độ vi phạm pháp luật của các đối tượng là nghiêm trọng, có tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, Công an thành phố, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan đã thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ hồ sơ về những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Ngày 30-3, Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245.

Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” theo điều 257 và vụ án “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo điều 173 Bộ Luật hình sự năm 1999.

Công an Thành phố đã 3 lần triệu tập các công dân có liên quan lên làm việc nhưng họ cố tình không chấp hành, tiếp tục tổ chức, thực hiện các hoạt động chống đối.

Ngày 15-4, Công an Thành phố đã bắt 4 đối tuợng có hành vi vi phạm pháp luật để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức theo Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999.

Ngay sau khi Công an Thành phố triển khai bắt giữ các đối tượng trên, một số công dân xã Đồng Tâm đã tập trung đông người bao vây, không cho ôtô của các lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn xã Đồng Tâm, giữ, đập phá 5 ôtô của lực lượng chức năng, giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành.

Số người cầm đầu tăng cường bố trí lực lượng, chặt cây to chắn đường vào làng; đồng thời chuẩn bị gậy, đất, cát và vôi bột, xăng, kẻng sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng tổ chức phương án giải cứu số cán bộ bị giữ trái pháp luật.

Lãnh đạo Thành phố trực tiếp tuyên truyền, vận động với số cầm đầu, quá khích, giải thích rõ việc bắt giữ người là hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu họ thả cán bộ, chiến sỹ bị bắt giữ trái pháp luật.

Thành phổ tổ chức 2 tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng, tuy nhiên, các đối tượng không hợp tác, ném cát sỏi, đá vào các tổ công tác làm một số cán bộ, chiến sĩ Công an Thành phố bị thương.

Theo thành phố Hà Nội, khu vực đất đồng Sênh là đất quốc phòng, đã được Chính phủ giao Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng; dự án A1 là dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của quân đội và đất nước.

Việc khiếu kiện của một số công dân xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức đã được UBND Thành phố kết luận và tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, số công dân khiếu kiện liên tục lôi kéo, kích động người dân có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng: xâm chiếm đất quốc phòng; gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn; cản trở các hoạt động bình thường, sinh hoạt của quần chúng nhân dân: chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật.

Đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh; không để ảnh hưởng đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung; gây xáo trộn, hoang mang tư tưởng, chia rẽ nội bộ nhân dân.

Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết và triển khai các biện pháp ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương này.

Khởi tố bị can, cách chức nhiều cán bộ địa phương sai phạm

Liên quan tới sai phạm của các cán bộ địa phương trong việc buông lỏng quản lý đất đai, cơ quan chức năng đã khai trừ Đảng 8 đảng viên, cách chức 1, cảnh cáo 5, khiển trách 5 (nguyên bí thư đảng ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch xã, nguyên trưởng công an xã), khởi tố vụ án và khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 bị can (nguyên chủ tịch xã, nguyên cán bộ địa chính xã), cho tại ngoại nguyên bí thư Đảng ủy xã vì lý do sức khỏe.”

Đã có 15 cảnh sát cơ động được thả và 3 người tự giải cứu

Ngày 18-4, xác nhận với Tuổi Trẻ, ông Bạch Thành Định, phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết đã có 15 cảnh sát cơ động (trong tổng số 38 người bị giữ tại xã Đồng Tâm) được người dân thả ra, có 3 người tự giải cứu và thoát được.

Cũng theo ông Định, hiện còn 20 người đang bị giữ tại xã Đồng Tâm. Cơ quan chức năng đang vận động để người dân sớm trao trả những người này.

Tổng hợp