Kịch bản chiến tranh Triêù Tiên

Chiến tranh là điều không một ai mong muốn nhưng các bên liên quan luôn có kế hoạch phản ứng nhanh, đề phòng khả năng xấu nhất xảy ra.

Viễn cảnh chiến tranh Triều Tiên lần hai tàn khốc - 1

Pháo binh Triều Tiên trong một cuộc tập trận ven bờ.

Triều Tiên cuối tuần trước tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, bất chấp sự phản đối của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Khi được hỏi về căng thẳng với Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: “Nếu cần tới giải pháp quân sự, đó sẽ là một xung đột ở mức độ chưa từng có”.

Trong bối cảnh như vậy, tờ Military Times đã xây dựng một bức tranh toàn cảnh về những gì có thể xảy ra nếu chiến tranh Triều Tiên lần hai nổ ra, dựa trên cuộc phỏng vấn với các quan chức quân đội đương nhiệm và đã về hưu, các chuyên gia quốc tế và thông tin tình báo về năng lực quân sự Triều Tiên.

“Nếu có ai đó nghĩ cuộc chiến này sẽ kết thúc trong 30 ngày thì họ đã lầm”, cựu thiếu tướng quân đội Mỹ Mark Herling nói. “Xung đột xảy ra sẽ khiến thương vong chỉ trong vài ngày tương đương với số người thiệt mạng suốt 6 năm của cuộc nội chiến Syria”.

Chiến lược của Triều Tiên

Nếu chiến tranh nổ ra, Triều Tiên chắc chắn sẽ cố gắng đưa quân tiến xuống phía nam nhanh nhất có thể, trước khi Mỹ kịp gửi viện binh – sỹ quan lực lượng đặc nhiệm Mỹ nghỉ hưu, David Maxwell nói.

Viễn cảnh chiến tranh Triều Tiên lần hai tàn khốc - 2

Xe quân sự Hàn Quốc di chuyển trong một cuộc tập trận.

Thay vì cố gắng đánh chiếm Seoul, Triều Tiên có thể sẽ bỏ qua mục tiêu này để chiến lược tiến quân thần tốc không bị ảnh hưởng, ông Maxwell nói.

“Họ cần tốc độ. Họ cần nhuệ khí”, ông Maxwell nhận định. “Một khi vượt sông Hàn, quân Triều Tiên có thể kéo đến Busan trong thoáng chốc”.

Busan là nơi Mỹ và Hàn Quốc từng lập phòng tuyến ngăn chặn quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến tranh năm 1950-1953. Từ đây, quân Mỹ đã lật ngược thế cờ, đẩy Triều Tiên về thế phòng ngự.

Joost Oliemans và Stijn Mitze, hai chuyên gia phân tích của Hà Lan, những người chuyên nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ tận dụng tuyến đường hầm xuyên qua vĩ tuyến 38, tránh khu vực đặt bom mìn, điều lực lượng xuống phía nam.

Họ tin rằng mỗi đường hầm có thể điều động 20.000 quân qua vĩ tuyến 38 trong mỗi giờ.

Viễn cảnh chiến tranh Triều Tiên lần hai tàn khốc - 3

Binh sĩ Mỹ canh gác tại căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc, nơi có sự hiện diện của các tiêm kích F-22.

Công ty Stratfor Mỹ dự đoán, rất nhiều đại pháo và rocket do Triều Tiên triển khai ở gần vĩ tuyến 38 đều có thể khai hỏa tới khu vực phía bắc Seoul. “Nếu tất cả hệ thống phóng rocket 300mm của Triều Tiên khai hỏa vào Seoul, điều này sẽ tương tự như một trận bão lửa rải khắp thành phố”.

Một đợt bắn tổng lực cũng có thể dội tới 350 tấn đạn dược, sức công phá của 11 máy bay ném bom B-52, đủ sức “san phẳng” toàn bộ Seoul, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Triều Tiên có thể sử dụng các tên lửa chiến lược tấn công căn cứ quân sự Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ khi đó chỉ có thể dựa vào căn cứ không quân ở Nhật Bản để tiếp tục chiến dịch.

Chiến lược của Mỹ

Ngay khi xung đột nổ ra, lực lượng Mỹ và Hàn Quốc chắc chắn sẽ nhận được sự chi viện ngay lập tức của tất các binh chủng thuộc quân đội Mỹ, từ lục quân, không quân, hải quân cho đến lính thủy đánh bộ.

Phần đầu ngọn giáo chống đỡ đợt tấn công từ Triều Tiên bao gồm Quân đoàn số 8 và Sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ . Các đơn vị này được hỗ trợ bởi lữ đoàn chiến đấu hàng không, lữ đoàn pháo binh và một lữ đoàn trang bị phương tiện chiến đấu bọc thép.

Các máy bay Mỹ cũng quần thảo trên bầu trời trong một khu vực chiến tranh chật hẹp chỉ tương đương với bang Minnesota.

Quân đội Hàn Quốc cũng tham chiến với 650.000 binh sĩ chính quy và 3 triệu lính dự bị.

Viễn cảnh chiến tranh Triều Tiên lần hai tàn khốc - 4

Mô phỏng chiến lược quân sự Mỹ và Hàn Quốc nếu xảy ra xung đột.

Ngay trong giờ phút đầu tiên, Thủy quân Lục chiến Mỹ xuất phát từ căn cứ ở Okinawa, Nhật Bản và Sư đoàn 82 nhảy dù của không quân Mỹ cũng được huy động đến chiến trường trên bán đảo Triều Tiên.

Jerry Hendrix, cựu sỹ quan hải quân Mỹ tự tin cho rằng, toàn bộ các tàu chiến lỗi thời của Triều Tiên sẽ bị vô hiệu hóa ngay lập tức khi vừa ra khơi hoặc bị đánh chìm ngay tại cảng.

Thách thức lớn nhất của liên quân Mỹ-Hàn Quốc là sức mạnh đến từ hàng ngàn khẩu pháo và rocket của Triều Tiên.

Ông Maxwell nhận định, điều quan trọng là sớm xác định được vị trí bố trí pháo binh của Triều Tiên.

Tình hình khu vực miền núi và công sự pháo được xây dựng vững chắc của phía Triều Tiên có thể yểm trợ rất tốt. Maxwell nói: “Nếu phát hiện được các khẩu đội pháo Triều Tiên, chúng ta có thể giáng đòn đáp trả”.

Xung đột leo thang

Nếu như giao tranh không sớm ngã ngũ và Triều Tiên đạt được bước tiến trên chiến trường, Mỹ sẽ phải cần đến các hoạt động đổ bộ bờ biển. Đây là điều mà quân đội Mỹ chưa từng trải nghiệm kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên giai đoạn năm 1950-1953.

Viễn cảnh chiến tranh Triều Tiên lần hai tàn khốc - 5

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trước ngày phóng tên lửa.

Đó sẽ thách thức lớn nhất mà Thủy quân Lục chiến Mỹ phải đối mặt. “Chúng ta không có nhiều tàu đổ bộ. Những tàu hiện đại nhất thì vẫn chưa sẵn sàng”,  cựu đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ David Fuquea nói.

Khả năng phòng thủ ven bờ của Triều Tiên cũng mạnh hơn nhiều so với những năm 1950. Nhiều vũ khí chính xác của Triều Tiên có thể tiêu diệt các tàu đổ bộ từ khoảng cách hàng trăm km. Nhưng Thủy quân Lục chiến Mỹ thì vẫn phải tiến vào bờ với tốc độ tương đương cuộc đổ bộ cách đây 60 năm, ông Fuquea nói.

Ngoài ra, nếu xung đột kéo dài tới vài tháng, các nhà phân tích nhận định, Mỹ sẽ phải huy động thêm lực lượng đóng tại châu Âu, thậm chí cả lực lượng Vệ binh Quốc gia, vốn chỉ đảm nhiệm vai trò bảo vệ nước Mỹ.

“Đây là một cuộc chiến tổng lực thực sự”, ông Maxwell kết luận. “Chúng ta cần một liên minh tốt hơn với Hàn Quốc để giành chiến thắng, chứ không phải lực lượng an ninh Iraq hay quân đội Afghanistan với tinh thần chiến đấu yếu kém”.

Đọ sức mạnh Triều Tiên - Hàn Quốc nếu có chiến tranh