Thời kỳ trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc đã hết

Với một loạt động thái khiến Bắc Kinh “nóng mặt” trong thời gian gần đây, Tổng thống Donald Trump dường như đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn khởi sắc từ sau cuộc gặp giữa ông chủ Nhà Trắng với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 2.
 

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Mỹ hồi tháng 2 (Ảnh: Getty)
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Mỹ hồi tháng 2 (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng duy trì mối quan hệ thân mật hiếm thấy kể từ sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình ông chủ Nhà Trắng ở bang Florida hồi tháng 2. Khi đó, Tổng thống Trump đã mô tả Chủ tịch Tập là “một người tuyệt vời” và cả hai đã có “mối quan hệ rất tốt”.

Để đổi lại cam kết của Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi, chính quyền Mỹ cũng giảm bớt sức ép với Bắc Kinh trong một số vấn đề, bao gồm việc tránh gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ như những lời chỉ trích trước đây của ông Trump khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống.

Tuy nhiên, ngày 21/6, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên đã thất bại. Điều này cho thấy sự thất vọng của Mỹ sau một thời gian dài đặt niềm tin vào Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên.

“Đây là chỉ dấu quan trọng thể hiện rằng thời kỳ trăng mật sau cuộc gặp tại Mar-a-Lago đã qua và bình luận (của ông Trump) trên Twitter là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sẽ có sự thay đổi và sự nguội lạnh trong quan hệ Trung – Mỹ”, Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney, Australia, nói với CNN.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần vừa qua, Mỹ đã có 3 động thái liên tiếp khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”, gồm thông báo thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD với Đài Loan, xếp Trung Quốc vào nhóm những quốc gia có tệ nạn buôn người tồi tệ nhất và áp đặt lệnh trừng phạt lên một loạt cá nhân và tổ chức Trung Quốc vì có quan hệ làm ăn với Triều Tiên.

Trừng phạt ngân hàng Trung Quốc

Bộ Tài chính Mỹ ngày 29/6 tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngân hàng Dandong của Trung Quốc sau khi cáo buộc ngân hàng này hỗ trợ các hoạt động tài chính phi pháp của Triều Tiên. Theo đó, ngân hàng Dandong sẽ bị cấm tạo tài khoản và thực hiện các giao dịch với các cá nhân, tổ chức ở Mỹ.

Ngoài ngân hàng Dandong, hai cá nhân và một công ty vận tải của Trung Quốc cũng bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt vì có liên quan tới chương trình vũ khí gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Ông Trump và ông Tập bắt tay trên bàn tiệc tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters)
Ông Trump và ông Tập bắt tay trên bàn tiệc tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters)

Nhận định về vấn đề này, ông Anthony Ruggiero, một chuyên gia về Triều Tiên và là nhà nghiên cứu thuộc Hội bảo vệ các nền dân chủ tại Mỹ, cho biết: “Ngay từ đầu, Tổng thống Trump đã gắn kết tất cả các vấn đề trong quan hệ Trung – Mỹ với nhau, theo đó, sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên sẽ đổi lại sự hợp tác của Mỹ trong các vấn đề khác”.

“Trung Quốc hiện tại đang ở thế buộc phải bảo vệ ngân hàng bị Mỹ cáo buộc là rửa tiền (cho Triều Tiên). Ban lãnh đạo của Trung Quốc sẽ lo ngại rằng liệu chính quyền Tổng thống Trump có trừng phạt một ngân hàng tầm trung khác của Trung Quốc tiếp theo hay không”, ông Ruggiero cho biết.

Khi được hỏi về các lệnh trừng phạt của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Bắc Kinh phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào được đưa ra ngoài khuôn khổ của Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức sửa chữa những hành động sai trái nhằm tránh làm ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác song phương trong các vấn đề liên quan”, Reuters dẫn lời ông Lục nhấn mạnh.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, nói rằng Bắc Kinh phản đối việc Mỹ sử dụng luật trong nước để áp đặt quyền tài phán “nối dài” lên các công ty và cá nhân Trung Quốc.

“Nếu một công ty hay công dân Trung Quốc vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì Trung Quốc sẽ điều tra và xử lý vụ việc đó phù hợp với luật Trung Quốc”, ông Cui nói trong một sự kiện tại Washington ngày 29/6.

Hợp đồng vũ khí “khủng” với Đài Loan

Cùng ngày Bộ Tài chính Mỹ phát đi thông báo trừng phạt ngân hàng Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết đã thông qua hợp đồng vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD với Đài Loan. Nếu được Quốc hội phê chuẩn thì đây sẽ là hợp đồng vũ khí đầu tiên giữa Mỹ và Đài Loan kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi cuối tháng 1.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cơ quan phòng vệ của Đài Loan đã ra thông báo, thể hiện sự “trân trọng” đối với quyết định bán vũ khí của Mỹ.

“Hợp đồng mua bán vũ khí này đã được chúng tôi đề xuất từ năm ngoái. Lô vũ khí này sẽ giúp nâng cao năng lực chiến đấu trên biển và trên không của chúng tôi”, thông báo của Đài Loan cho biết.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã nhanh chóng lên tiếng phản đối hợp đồng vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan, cho rằng hợp đồng này đã vi phạm chính sách “Một Trung Quốc” – vốn được coi là nền tảng trong quan hệ Trung – Mỹ.

“Trung Quốc đã gửi lời phản đối mạnh mẽ tới Mỹ và có quyền đưa ra những biện pháp tiếp theo”, Nhân dân Nhật báo dẫn lời Đại sứ Cui cho biết.

Trong khi đó, người phát ngôn Lục Khảng nêu rõ: “Vấn đề Đài Loan ảnh hưởng tới tính chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc nên chúng tôi hối thúc Mỹ tôn trọng cam kết của họ trong vấn đề Đài Loan, dừng ngay lập tức những tiếp xúc quân sự và các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, tránh ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hợp tác song phương trong các lĩnh vực sâu rộng”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là có thể ảnh hưởng tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Harmburg, Đức vào tuần tới. Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại sự kiện này.