Luận Tam quốc, Tào Tháo một đời kiêu hùng nhưng háo sắc làm hại cơ nghiệp

Tật xấu để đời khiến Tào Tháo mãi chỉ là "ông vua không ngai"

Bên cạnh sự tự phụ, thói xấu này mới đích thực là nguyên nhân khiến Tào Tháo không thể thống nhất thiên hạ.

Người Trung Hoa có câu: “Mười người đàn ông, chín người háo sắc”. Trên thực tế, háo sắc vốn không bị coi là việc đáng thẹn, cũng chẳng phải điều sai lầm.

Ngay đến Khổng Tử cũng từng coi “thực sắc tính dã” (“thực sắc” chỉ việc ăn uống, tình dục) là thiên tính nguyên bản của con người.

Thế nhưng, lịch sử Trung Quốc từng ghi nhận nhiều trường hợp “vì cái nhỏ mà mất cái lớn”, vì háo sắc mà đánh mất thiên hạ. Trong số đó, người nổi danh và điển hình hơn cả chính là “gian hùng” nổi tiếng Tam Quốc – Tào Tháo.

Háo sắc đến mức thê thiếp đầy đàn, hao tốn tinh lực

Suốt cuộc đời của mình, Tào Tháo từng cưới về rất nhiều mỹ nữ. Tuy nhiên, dựa theo các tư liệu lịch sử chính thức, những thê thiếp được lưu lại danh tính của ông chỉ có 15 người.

“Hậu cung” của đại gian hùng Tam Quốc là nơi tương đối phức tạp. Thê thiếp của ông có đủ loại xuất thân, có người cao quý như chính thất Đinh phu nhân, có người xuất thân từ kỹ nữ như Biện phu nhân…

Trong số đó, những thiếu phụ từng là vợ của kẻ thù lại chiếm số lượng đông đảo hơn cả. Với một đại gia đình đông đảo và phúc tạp như vậy, chuyện “tề gia” là công việc rất hao tốn tâm tư, tinh lực của Tào Tháo.

Tật xấu để đời khiến Tào Tháo mãi chỉ là ông vua không ngai - Ảnh 1.

Thê thiếp đầy đàn là vấn đề tiêu hao không ít tâm chí của Tào Tháo. (Ảnh: phim Đổng Tước Đài).

May thay, sau khi Đinh phu nhân rời đi, Biện phu nhân chu toàn, tận tâm giúp Tháo quản lý gia sự để ông an tâm chinh chiến. Nhưng ngay cả khi như vậy, Tào Tháo vẫn không tránh khỏi việc bị phân tâm với một hậu cung đầy mỹ nữ có xuất thân phức tạp.

“Bán mạng” người nhà, ái tướng cũng vì háo sắc

Trong cuộc đời chinh chiến của mình, Tào Tháo từng không ít lần “lãnh đạn” vì thói ham dâm, háo sắc. “Tam Quốc diễn nghĩa” từng ghi lại “vết đen” của Tào Tháo trong việc bại trận ở Uyển Thành.

Câu chuyện này xảy ra trong lúc Uyển Thành đang đại chiến. Khi đó, Tào Tháo phát hiện ra thím của Trương Tú là Châu thị có tư sắc hơn người.

Mặc cho việc Châu thị là góa phụ, Tháo vẫn tư thông cùng người phụ nữ này, khiến cho Trương Tú vốn đã quy hàng, nay vì uất ức mà nổi dậy làm phản.

Trong trận binh biến tại Uyển Thành ấy, quân Tào thất bại thảm hại. Tào Tháo không chỉ trúng tên bị thương mà còn mất đi con trưởng là Tào Ngang, cháu trai Tào An Dân và ái tướng Điển Vi.

Tật xấu để đời khiến Tào Tháo mãi chỉ là ông vua không ngai - Ảnh 2.

Nỗi đau vì mất đi người thân và ái tượng vẫn chưa thể khiến Tào Tháo bỏ được tật xấu để đời của mình. (Ảnh minh họa: nguồn Qulishi.com).

Con trưởng qua đời, chính thất của Tháo lúc bấy giờ là Đinh phu nhân kiên quyết đòi “đường ai nấy đi”. Đặt vào bối cảnh lúc bấy giờ, đây chính là đòn đả kích gây ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần và danh dự của Tào Tháo.

Không chỉ vậy, Trương Tú còn trở thành tai họa lớn trong sự nghiệp của nhân vật Tam Quốc này. Do có sức ảnh hưởng lớn, sự phản bội của Trương Tú đã khiến Tào Tháo trở thành nhân vật “đắc tội” với nhiều người.

Chỉ vì một đêm vui vẻ cùng mỹ nhân, Tào Tháo đã phải trả giá bằng tính mạng của con trai, cháu trai, ái tướng, cùng với đó là không ít thương tổn về thanh danh, tinh thần, tính mạng.

Vậy mới nói, tuy được xưng tụng là “lão đại phương Bắc”, nhưng địa bàn của Tháo thường xuyên bất ổn cũng bởi vì sự háo sắc, ham dâm của chính ông ta.

Lật mặt với thủ hạ vì mê luyến nữ nhân

Trong phần “Quan Vũ truyện”, “Tam Quốc chí” từng ghi lại việc Tào – Quan tranh giành một người phụ nữ. Trong đó có viết:

“Tào Công và Lưu Bị vây bố Hạ Bì. Vân Trường từng xin cưới vợ của Tần Nghi Lộc (thủ hạ của Lữ Bố). Công ( chỉ Tào Tháo) lúc đầu đồng ý. 

Sau khi phá thành, Công thấy điểm khác thường, liền muốn nhìn mặt người phụ nữ này, sau đó đòi giữ lại cho mình. Vân Trường tâm càng không yên.”

Năm xưa, cấp dưới của Lữ Bố là Tần Nghi Lộc từng có một người vợ họ Đỗ vô cùng xinh đẹp. Quan Vũ nhìn trúng Đỗ thị, đem lòng thầm mến nàng từ lâu.

Khi Tào Tháo cùng Lưu Bị liên thủ bao vây Lữ Bố ở Hạ Bì, Quan Vũ từng nhiều lần yêu cầu Tào Tháo ban thưởng Đỗ thị cho mình sau khi phá được thành.

Lúc đầu, Tháo sảng khoái đáp ứng. Nhưng tới khi thành bị phá, Tào Tháo phát hiện “người phụ nữ này quả không tầm thường”, liền thẳng tay đem nàng nạp làm thiếp.

Tật xấu để đời khiến Tào Tháo mãi chỉ là ông vua không ngai - Ảnh 3.

Chỉ vì một người phụ nữ, Tào Tháo để nhanh chóng biến Quan Vũ từ thủ hạ đắc lực trở thành kẻ thù đáng gờm của mình. (Ảnh minh họa).

Khi ấy, Tào Tháo và Lưu Bị vẫn còn là chiến hữu. Quan Vũ là cấp dưới của Lưu Bị, đương nhiên cũng được tính là thủ hạ của Tào Tháo.

Kỳ thực, người “hùng tài đại lược” như Tháo vốn không thiếu mỹ nữ, nhưng bản tính háo sắc cùng với sở thích “cướp vợ người” khiến vị quân chủ này nổi máu “gian hùng”, sẵn sàng lật lọng, hớt tay trên mỹ nữ của thủ hạ.

Nhưng Quan Vũ vốn không phải là một thuộc hạ bình thường, mà mang sức mạnh và uy vũ của một vị “hổ tướng”. Tháo vì nữ sắc mà quên đi lý tưởng thống nhất thiên hạ, khiến một người tài năng như Vũ bỏ mình mà đi.

Vào thời điểm mất đi người phụ nữ mình yêu mến, lòng của Quan Vũ đã ngả sang Lưu Bị. Điều này giúp ông trở thành một trong những cánh tay đắc lực của Lưu Bị sau này, đồng thời cũng biến ông thành kẻ địch đáng gờm của Tào Tháo.

Cha con tương tàn bởi một người phụ nữ

Việc “Tam Tào” (chỉ 3 cha con Tào Tháo) tranh mỹ nữ từ lâu đã trở thành cố sự nổi tiếng được lưu truyền trong dân gian. Sau đại chiến Quan Độ, quân của Viên Thiệu đại bại, Tào Tháo từ sớm đã có ý định cướp người vợ xinh đẹp của Thiệu – nàng Chân Mật.

Không ngờ “cha nào con nấy”, con của Tháo là Tào Phi cũng đem lòng thương nhớ mỹ nữ này. Chiến sự chưa xong, người con trưởng ấy kéo binh tới để đoạt đi nàng Chân Mật.

Tật xấu để đời khiến Tào Tháo mãi chỉ là ông vua không ngai - Ảnh 4.

Sắc đẹp nghiêng thành của mỹ nữ Chân Mật đã khiến cho ba cha con họ Tào không khỏi “thất điên bát đảo”. (Ảnh: phim Tân Lạc Thần truyền kỳ).

Tào Tháo vô cùng tận giận, phẫn nộ mà nói: “Cha ngươi khổ sở bao nhiêu mới có được thành quả này, nay lại để cho thằng tiểu tử nhà ngươi hưởng hết tiện nghi!” Phải tới khi quần thần ra sức khuyên can, Tháo mới can tâm nhường mỹ nữ cho con trai.

Nhưng ngàn đời qua, “hồng nhan” vốn là cái mầm tai họa. Sau khi về tay Tào Phi, nàng Chân Mật lại khiến cho người con thứ nổi tiếng tài hoa của Tháo là Tào Thực đem lòng say mê.

Hai hậu duệ xuất sắc nhất của Tào Tháo cũng vì vậy mà trở nên bất hòa. Vì thế, sự nghiệp thống nhất thiên hạ của Tào gia tiêu tan âu cũng bởi “tật” háo sắc của Tháo khiến con cái không thể đồng tâm hiệp lực.

Bậc anh tài đánh mất lòng người vì một chữ “sắc”

Từ xưa tới nay, Tào Tháo được nhắc tới như một điển hình cho hình tượng háo sắc. Nhắc tới Tháo, hậu thế nghĩ ngay tới một “gian hùng” ham dâm, thích cướp vợ thiên hạ.

Chính vì tai tiếng ấy, mà những điểm tốt của Tào Tháo bị lu mờ nhanh chóng. Ít ai biết rằng, ông là một người rất trọng tình trọng nghĩa. Với những nữ nhân đã là người của mình, Tào Tháo luôn che chở cả đời, không bao giờ vứt bỏ họ.

Tiếng xấu đồn xa, lại thêm những minh chứng sống như Quan Vũ, Trương Tú, nhân tài trong tay Tháo ngày một thưa thớt. Kẻ lưu lại mặc dù kính trọng ông, nhưng cũng không dám thân cận, không thể dốc lòng phò tá, lại càng không dám để quân chủ nhìn thấy vợ mình.

Tật xấu để đời khiến Tào Tháo mãi chỉ là ông vua không ngai - Ảnh 5.

Đánh mất lòng quân, thêm thù, bớt bạn…là những hậu quả mà tật háo sắc đem lại cho Tào Tháo. (Ảnh: nguồn internet).

Tào Tháo từng không ít lần bị thủ hạ phản bội, đồng minh quay sang đối kháng, nguyên nhân cũng bởi bản tính háo sắc khiến thanh danh của ông bị hủy hoại, làm cho nhà nhà bất mãn, người người không phục.

Thân là một người “hùng tài đại lược”, nhưng háo sắc lại trở thành một nhược điểm trí mạng của Tào Tháo. Tật xấu “đến chết không chừa” này khiến ông bị mất đi người nhà, thân tín, lòng người, bị hao tổn thanh danh, tinh thần, tính mạng.

Cuối cùng, Tào Tháo “cưỡi hạc quy tiên” ở tuổi 66, khi đại nghiệp nhất thống thiên hạ còn đang dang dở.

Sau đó, đứng trước những nguy cơ bao vây tứ phía, phản loạn nơi nơi, nhà Ngụy của ông chỉ duy trì được vài chục năm rồi sụp đổ, cơ nghiệp của Tào gia cũng tiêu tàn từ đó.

Bởi vậy, Tào Tháo trong mắt hậu thế vẫn mãi chỉ là “một đời kiêu hùng” chứ không phải “một đời đế vương”.