Bốn giai đoạn của sốc văn hóa

Sống ở nước ngoài có thể là trải nghiệm thú vị khi có cơ hội khám phá thế giới, trao dồi thêm kiến thức về văn hóa và nâng cao khả năng thích nghi với các điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, nó cũng có thể mang đến những cảm giác lạc lõng, xa lạ

Sốc văn hóa là một hiện tượng khá phổ biến, đôi khi nó ngốn vài tháng để nhận ra, nhưng nó thường gây ảnh hưởng với những người đang đi chu du hay sống xa nhà theo một hướng không ngờ tới. Sốc văn hóa không chỉ đơn giản là cảm thấy khác biệt với nhịp sống của xã hội hay những trải nghiệm đối với các món ăn mới. Nó còn có chiều hướng ảnh hưởng đến những người xa nhà kể cả khi họ đã dần quen thuộc và thích nghi với môi trường mới. Sốc văn hóa thông thường sẽ đi qua bốn giai đoạn: háo hức, thất vọng, điều chỉnh và chấp nhận. Mặc dù mỗi một cá nhân sẽ trải qua những giai đoạn này theo một cách khác nhau và không theo một thứ tự chính xác nào cả, tuy nhiên chúng ta vẫn sẽ có được một cái nhìn bao quát và nhận định cách để tiếp nhận và hòa nhập với nền văn hóa mới.

Giai đoạn háo hức

Giai đoạn đầu tiên của sốc văn hóa thường cực kỳ tích cực. Trong khoảng thời gian này, những lữ khách của chúng ta sẽ trở nên mê tít với ngôn ngữ, con người, ẩm thực của nơi họ vừa đặt chân đến. Ở giai đoạn này, chuyến đi trông có vẻ là một quyết định tuyệt vời nhất mà họ từng làm, là cuộc phiêu lưu lý thú kéo dài mãi. 

Đối với những chuyến đi ngắn, giai đoạn háo hức này sẽ chiếm phần lớn những trải nghiệm và những ảnh hưởng chậm hơn của việc sốc văn hóa sẽ không có thời gian chen vào. Tuy nhiên đối với những chuyến đi dài hạn, giai đoạn này thường sẽ dần dần tan biến mất

Giai đoạn thất vọng

Thất vọng, hụt hẫng có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất của cú sốc văn hóa. Bất kể những người đang sinh sống ở nước ngoài hay những ai thường xuyên đi lại đều có thể sẽ có cùng một cảm giác về khoảng thời gian này. Ở giai đoạn này, sự mỏi mệt khi không thể thấu hiểu các hành động, dấu hiệu và ngôn ngữ của người bản địa gây nên việc không thể giao tiếp có thể sẽ diễn ra khá thường xuyên. Những vấn đề lặt vặt như mất chìa khóa, lỡ chuyến bus hay không thể gọi món một cách dễ dàng ở nhà hàng đều có thể khiến sự chán chường bùng nổ. Mặc dù vậy, sự thất vọng đến rồi sẽ đi, đó là một phản ứng bình thường của những người đang dành thêm thời gian ở đất nước mới

Những cơn trầm cảm hay nỗi nhớ nhà và cảm giác thèm được về nhà, nơi mọi thứ đều quen thuộc và thân thương, đều khá phổ biến trong suốt giai đoạn này

Giai đoạn điều chỉnh lại

Giai đoạn hụt hẫng thường sẽ trở nên khá hơn khi mà những người sống xa nhà dần dần cảm thấy quen thuộc và thoải mái hơn với văn hóa, con người, nền ẩm thực và ngôn ngữ tại môi trường sinh sống mới. Những chênh vênh sẽ trở nên dễ thở hơn, có thêm bạn bè và những mối quan hệ cộng đồng có thể hỗ trợ bạn, những từng ngữ địa phương cũng dần trở nên quen thuộc hơn trong gian đoạn này

Giai đoạn chấp nhận

Thông thường, sau khoảng vài tuần, vài tháng hoặc vài năm vật lộn với những giai đoạn đầy cảm xúc đã miêu tả ở trên, giai đoạn cuối cùng của việc sốc văn hóa chính là đón nhận. Việc đón nhận không có nghĩa là hiểu hết về văn hóa hay môi trường đang sinh sống. Thay vào đó, nó biểu thị cho việc chúng ta có đầy đủ kiến thức để sinh sống và phát triển trong môi trường mới. Xuyên suốt giai đoạn chấp nhận này, những người xa nhà dần quen thuộc hơn và có thể rút ra một số kinh nghiệm họ cần cho việc sinh sống tại đây

Mặc dù sốc văn hóa có thể là một trong những phần khó nhất bạn phải trải qua trong quá trình khám phá thế giới, nhưng nó cũng gắn liền với những trải nghiệm về nền ẩm thực, con người và phong cảnh. Bằng việc tìm hiểu xem sốc văn hóa là gì và tìm ra cách khắc phục, bạn có thể tránh được việc nó làm ảnh hưởng đến những trải nghiệm khám phá tuyệt vời của mình.

Dịch bởi G.