‘Quận 13,’ phim ngắn về nỗi niềm tị nạn người gốc Việt tại Pháp

Đạo diễn Hiếu Gray Huỳnh trả lời câu hỏi về “Quận 13.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Nhìn dòng người lũ lượt nối nhau vào kín khán phòng, cô Hiếu Gray Huỳnh cười, cố giấu sự hồi hộp: “Tôi tưởng sẽ có chừng 10, 15 người thôi. Không ngờ nhiều người hưởng ứng phim ‘Quận 13’ vậy. Bất ngờ quá.”

Đứng gần đấy, anh Bảo Võ, nhạc sĩ của “Quận 13,” cũng hồi hộp không kém: “Không biết người ta sẽ nghĩ gì về phần nhạc của cuốn phim, nhưng rất tiếc tôi được tham gia thực hiện phim quá trễ. Hiếu đã quay và cắt ráp gần xong rồi mới liên lạc với tôi.”

Rồi anh Bảo dí dỏm: “Nếu tham gia (nhóm thực hiện phim) sớm hơn thì tôi đã soạn nhạc khác hơn. Bây giờ, nhạc phim chỉ là ‘nhạc bảy món.’”

“Quận 13” là tựa đề của một cuốn phim thời sự dài 15 phút của đạo diễn Hiếu Gray Huỳnh vừa được trình chiếu tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, vào tối Thứ Sáu, 1 Tháng Mười Một, và được khá đông người tham dự.

Thực sự, nhạc phim không tệ như nhạc sĩ Bảo nói, tuy nếu có thêm đủ hương vị Việt Nam thì sẽ đậm đà hơn.

“Quận 13” ngắn nhưng chất chứa đầy tâm tư. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Quận 13” nói về những người gốc Việt sống ở địa danh cùng tên tại Paris, Pháp.

Qua “Quận 13,” Hiếu dùng văn hóa ẩm thực Việt Nam như một sợi dây nối kết cư dân gốc Việt tại Pháp với gia đình và với những người gốc Việt khác cũng như là một cái cầu để dẫn họ đến với người bản xứ.

Tại sao lại là quận 13 mà không phải Little Saigon?

Là sinh viên cao học ngành thơ văn tại đại học New York University, Hiếu đến Paris tham dự một khóa học đặc biệt.

“Tại đây, tôi thấy mình rõ ràng là một người gốc Việt trong một xã hội xa lạ, một người lạc lõng,” cô kể. “Rồi cái lạnh thấu xương của Paris và làm cho tôi thấy cô đơn hơn, một cảm giác rất xa lạ.”

Hiếu chợt thèm một tô phở nóng.

Không biết cô thèm phở hay thèm hơi hướng Việt Nam, nhưng rồi ý tưởng làm một cuốn phim ngắn về những người gốc Việt quanh quận 13 nảy ra.

“Quận 13” là một cuộc viếng thăm các “nhà nấu nướng” kỳ cựu của cộng đồng gốc Việt tại đây, như bà Đỗ Thị Thanh Huyền (nhà hàng Do et Riz), ông Quân Phạm (Le Drapeau de la Fidélité), và anh Jean-Yves Vương (Frenchy Taste).

Nhưng “Quận 13” không chỉ đơn thuần về ẩm thực Việt Nam mà là một bộc bạch tâm sự của những mảnh đời tị nạn tại Pháp. Qua đó, cuốn phim trung thực thể hiện rằng sự hiện hữu của họ tại quận 13 chỉ như những cái bóng mờ bên lề xã hội cho dù họ có sống ở đây thêm bao nhiêu chục năm nữa.

Cuộc chia sẻ thân mật

Trong phần nói chuyện thân mật sau đó, với sự điều hợp khéo léo của cô Đỗ Bảo Anh, thành viên Hội Đồng Quản Trị cơ quan AAJA (Asian American Journalist Association), có rất nhiều khán giả chia sẻ kinh nghiệm cũng như quan niệm về thân phận người tị nạn.

Từ ngữ “diaspora” được cô Bảo Anh sử dụng nhiều lần để nhấn mạnh rằng đây là chủ đề chính của cuộc chia sẻ.

Từ ngữ này được dùng để nói về bất cứ cộng đồng thiểu số của một nhóm người cùng chủng tộc hay tôn giáo… tại một quốc gia hải ngoại.

Cuộc nói chuyện rất hào hứng và sôi nổi.

Khán giả muốn chia sẻ riêng với đạo diễn Hiếu Gray. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Có người sang đây từ khi còn rất trẻ mà sau bao nhiêu năm vẫn chưa thực sự hội nhập vào xã hội. Nói tiếng Mỹ, giữ chức vụ quan trọng ở các công sở Mỹ, giao thiệp với bạn bè Mỹ nhưng không nghĩ rằng mình là người Mỹ.

Có người tự nghĩ rằng mình là người Mỹ nhưng đã gặp những kỳ thị, chống đối.

Có người lại ở vị trí khó khăn hơn. “Khi ở đây, tôi không nghĩ mình là người Mỹ, nhưng khi ở Việt Nam, tôi lại cũng không nghĩ mình là người Việt.”

Ngược lại, có những người tự cảm thấy Mỹ là quê hương của họ và Orange County là nhà và tiếng Anh là ngôn ngữ của họ.

“Đến tiểu bang khác, tôi cảm thấy mình là cư dân California nhưng khi đến Việt Nam, tôi biết mình là người Mỹ,” một khán giả chia sẻ. “Việt Nam là quê hương của cha mẹ tôi, nhưng đây mới là quê hương tôi.”

Vì hoàn cảnh tị nạn, có người cảm thấy xa lạ ngay chính trong gia đình mình. Một khán giả chia sẻ: “Khi chúng tôi vượt biên qua đây, tôi chỉ là đứa trẻ con. Năm lên 25 tuổi, cha tôi được đi theo diện H.O.”

“Nhìn một người ông xa lạ mà mẹ tôi bảo phải gọi bằng cha thì tôi gọi, nhưng trong lòng tôi, tôi không cảm thấy sự gần gụi thân quen như khi tôi nhìn mẹ mình,” một khán giả khác góp chuyện.

Một khán giả chia sẻ cảm nghĩ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Có khán giả nói được tiếng Việt, có người chỉ hiểu tiếng Anh.

Dù nghĩ mình là ai, những câu chuyện của họ cùng nói lên một cuộc khủng hoảng “căn cước.”

Đi tìm chính mình

Qua “Quận 13,” Hiếu Gary khuyến khích khán giả hãnh diện được là người Việt Nam và văn hóa ẩm thực là mẫu số chung, là sợi dây liên kết mọi người lại với nhau.

Tiềm ẩn trong những mẩu đối thoại của “Quân 13,” khán giả tinh ý sẽ nhận thấy đây là một hành trình của Hiếu Gray đi tìm chính “căn cước tâm hồn” cho mình, đi tìm chính mình.

Ngoài ra, cô còn muốn giúp khán giả hiểu được rằng có nhiều cách để làm người Việt Nam.

Hiếu Gray từng là nhà sản xuất cho một số chương trình của đài CNN như “Parts Unknown” và “Larry King Live.”

Richard Vân, người cắt ráp phim, bận việc ở xa, không về dự buổi ra mắt “Quận 13” kịp.

Đạo diễn Hiếu Gray Huỳnh trong buổi nói chuyện sau khi chiếu “Quận 13.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nói với phóng viên Người Việt, Hiếu Gray Huỳnh nói: “Nếu huy động được ngân quỹ, tôi sẽ làm phim nữa về người Việt ở khắp nơi trên thế giới, như Nhật, hay Úc, hay bất cứ nơi nào.”

Cô cười: “Hay ngay cả Little Saigon ở đây.”

Nhưng công việc trước mắt là sao cho có nhiều người bàn tán về “Quận 13” trên các mạng xã hội như “Instagram” hay “Facebook” để ban tổ chức các liên hoan phim thấy rằng “Quận 13” có khán giả và được đề cập đến và sẽ nhận phim vào chương trình. (Đằng-Giao)

nguoiviet.com