ĐÀ LẠT MÙA THAY ÁO

          Cuối cùng, sau những ngày nắng ấm áp của trời thu thì gió mùa đông bắc cũng tràn về. Ngồi bên ô cửa sổ, với một cuốn sách và ly cà phê ấm nồng, liệu bạn còn nhớ về Đà Lạt? Đã bao lâu rồi bạn chưa lên thăm mảnh đất huyền ảo đó? Cuộc sống với vòng xoay cơm, áo, gạo, tiền quẩn quanh đã vô tình cuốn chúng ta ra khỏi những điều đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ. Nếu không may, Đà Lạt mộng mơ là một trong số đó thì mùa đông này, nếu có thể, hãy đến thăm nó – nơi lưu giữ những kỉ niệm buồn những cũng thật đẹp.

          Mùa đông? Thật lạ lùng khi đến Đà Lạt vào thời tiết như thế này vì đa phần mọi người sẽ chọn lúc Đà Lạt đẹp nhất để ghé thăm. Mùa xuân, Đà Lạt kiêu hãnh bừng tỉnh sức sống giữa đất trời Cao Nguyên, ngày hè, thành phố ấy mải mê ca hát, hòa quyện với những rừng thông vi vu, cao vút trong ánh nắng chiều và đến khi mỏi mệt, cuộc vui cũng tàn thì dáng vẻ trầm ngâm, suy tư, cái sự buồn nhẹ man mác đặc trưng của trời thu lại trả về nguyên vẹn cho nơi đây. Còn những ngày đông Đà Lạt thì sao? Đó là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt khi mà cái lạnh buốt của tiết trời hòa cùng với xúc cảm nhớ thương của những người về thăm lại chốn xưa.

Có một vùng đất đẹp tựa giấc mơ         

Mùa nào Đà Lạt cũng đẹp, dù là nắng hay mưa, thì dường như nơi đây luôn được thiên nhiên ưu ái không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên lãng mạn mà còn vì cảm giác lưu luyến và nhớ nhung của mỗi người khi đến thăm Đà Lạt.

Đà Lạt chớm đông, ta chợt nhận ra, thành phố này mới đẹp và thơ mộng đến nhường nào. Tháng 12 là thời gian đẹp nhất của Đà Lạt, khi những cánh đồng hoa dã quỳ vàng ươm như nắng trải dài cả một triền đồi nói lời tạm biệt thì là lúc Đà Lạt thay màu áo mới – màu trắng tinh khôi của đồng cải bát ngát, mênh mông. Với mục đính gieo để lấy hạt, người dân thường ưu tiên cho đồng cải một khoảng đất rộng lớn, đợi hoa nở rộ rồi tàn để dễ dàng thu hoạch được hạt. Ngoài cải trắng, còn vô số những loài hoa đua nhau thể hiện vẻ đẹp của mình trong tiết trời giá lạnh của Đà Lạt. Những cành mai anh đào mỏng manh, e ấp như dáng vẻ của người thiếu nữ miền sơn cước nay đã mở cánh hoa, nở hồng rợp cả một vùng hay những cụm hoa Mimosa với đốm sáng rực, mang trong mình chút tình nồng nơi phố núi đều tạo lên vẻ đẹp rất riêng cho Đà Lạt, đó là vẻ đẹp sức sống của cây cỏ hoa lá, là sự ấm áp nồng đượm qua những sắc hoa thơm.

Dường như với cái buồn nhẹ nhàng và thâm sâu vốn có của thành phố này, nét đẹp cổ kính của kiến trúc pháp là phù hợp hơn cả. Thật không quá khi nói rằng Đà Lạt là thành phố sở hữu một di sản kiến trúc giá trị. Được phát hiện bởi bác sĩ Alexandre Yersin vào năm 1893, trải qua 126 năm, Đà Lạt vẫn giữ được vẻ đẹp sơ khai nguyên thủy của nó. Kiến trúc của Đà Lạt là sự hòa hợp giữa kiến trúc công cộng và kiến trúc tôn giáo phương Tây. Nằm trên một ngọn đồi cao phía bắc thành phố, Viện Sinh học Tây Nguyên mang phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn có bố cục hình khối đối xứng kinh điển. Nhà ga xe lửa Đà Lạt được thiết kế bởi kiến trúc sư Revéron với khái niệm sáng tác theo hình thức kiến trúc Anglo-Norman mới hay trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt đều là những công trình kiến trúc nổi tiếng của Đà Lạt. Vùng đất này thật may mắn khi sở hữu những nét đẹp tinh tế, cổ điển của kiến trúc Pháp và được ôm trọn trong vòng tay của núi rừng hoang sơ. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên đất trời, Đà Lạt còn gì không? Đà Lạt còn, còn rất nhiều các lễ hội được tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Không phải ngẫu nhiên khi nhắc đến Đà Lạt, người ta lại nghĩ đến một thiên đường của các loài hoa, người Đà Lạt dành sự trân trọng và yêu quý cho biểu tượng của thành phố bằng một lễ hội, đó là lễ hội hoa Đà Lạt. Đây là dịp mà các loại hoa của vùng, của cả nước, và các nước lân cận hội tụ về thành phố khoe sắc, đồng thời cũng tôn vinh giá trị của ngành trồng hoa và quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư phát triển của thương hiệu hoa Đà Lạt. Bên cạnh lễ hội hoa nổi tiếng, thì liên hoan thổ cẩm và trình diễn trang phục Tây Nguyên, ngày hội thể thao văn hóa – thể thao – du lịch các dân tộc Tây Nguyên hay Festival Cồng chiêng quốc tế đều giúp du khách cảm nhận được nhiều sắc màu tươi mới và những nét đặc trưng của thành phố này. 

Con đường tìm về những điều đẹp đẽ

          Dành trọn cả một ngày để tìm kiếm, thăm thú những vẻ đẹp làm lên Đà Lạt nhưng sẽ không bao giờ là đủ nếu chúng ta quên thưởng thức ẩm thực Đà Lạt. Nếu có ai hỏi bạn “món ăn  đặc trưng nhất của Đà Lạt là gì?” thì chắc hẳn, sẽ thật khó để sắp xếp và đưa ra câu trả lời vì ẩm thực của Đà Lạt không dựa trên một nguyên liệu hay cách thức chế biến đặc trưng của một vùng mà nó là sự hòa quyện, kết hợp của những nền văn hóa khác nhau. Trải dài theo dải đất hình chữ “S”, từ miền duyên hải nổi tiếng với nguồn hản sản phong phú, đi ngược lên Tây Bắc lại có những món ăn đặc trưng núi rừng hay xuống miền Tây với hoa trái dịu ngọt, vẫn thật khó để tìm một món ăn mang dư vị của Đà Lạt. Có lẽ, ẩm thực của Đà Lạt đặc biệt ở chỗ, sự kết hợp của Á – Tàu – Ấn – Âu được thưởng thức ngay khi còn ấm nóng trong không khí se lạnh khiến cho người ta không thể quên được cảm giác xuýt xoa, rộn ràng. Ẩm thực Đà Lạt vô cùng đa dạng, một số những món ăn nhất định bạn nên ghé thưởng thức như lẩu dê của ông già Ấn Độ, bánh căn Lệ hay bánh mì xíu mại Hoàng Diệu thì còn một món ăn hoặc có thể gọi là nguyên liệu rất đặc biệt của vùng đất này, đó là “rau”. Rau ở đâu mà chẳng có, tại sao phải là rau Đà Lạt? Do được trồng ở nơi có nhiệt độ thấp cùng với chất đất riêng nên rau, hoa quả Đà Lạt rất ngon, ngọt và tươi. Rau ở đây ngọt và tươi một cách lạ thường, nó căng mọng trong cuộng và xanh ngắt trong từng lá ngay cả khi đã luộc. Vậy nên khi đến Đà Lạt, hãy ăn thật nhiều rau vì âm hưởng của đất trời đã hội tụ vào trong đó cả rồi! Đà Lạt còn nhiều điều thú vị mà có lẽ cả tháng trời chúng ta cũng khó để thăm thú hết nhưng trên tất cả, thời tiết của Đà Lạt bằng một cách nào đó, đã len lỏi sâu vào tâm trí của những người lữ hành đã từng viếng thăm mảnh đất này. Đó là những kỉ niệm, nỗi buồn và nỗi nhớ khó gọi tên nhưng cũng vô cùng đẹp! Người ta hay nói Đà Lạt chỉ dành cho các đôi yêu nhau, vậy những người đang một mình thì có lên thăm vùng đất này không? Có, có chứ, Đà Lạt sống cho mọi người, Đà Lạt ngoài cái chất tình vốn có của nó, nó còn là một khoảng riêng chất chứa tâm sự của từng người đã đến thăm nơi này. Ngồi trên những bậc thang của quảng trường, nhâm nhi một cốc sữa đậu nóng, cảm nhận hơi ấm lan tỏa khắp thân mình mới thấy cái mảnh đất này thú vị làm sao! Nếu bạn thức dậy vào buổi sáng sớm, hãy mở cửa sổ phòng ngủ, sương mù sẽ từ từ tràn ngập căn phòng khiến bạn cảm thấy như ở Đà Lạt không có sự ngăn cách giữa con người và núi rừng thiên nhiên. Dạo quanh một vòng Đà Lạt lúc bình minh còn chưa tỉnh dậy thực sự, đắm mình vào trong làn sương mờ ảo ta có tự hỏi đây là thiên đường hay trần thế? Đơn giản, đó là Đà Lạt – là chốn của những kẻ mộng mơ.

Đà Lạt, đừng đánh mất nét buồn đẹp

          Ngày nay, với sự phát triển của đô thị, Đà Lạt đón hàng ngàn du khách mỗi năm cùng với đó là những tòa nhà, khách sạn đang mọc lên như nấm ở thành phố này keo theo đó là hiệu ứng nhà kính nặng nề. Đà Lạt dường như chẳng thể “buồn” như cốt tủy của nó nữa, nó vẫn buồn, nhưng không còn là nét buồn đẹp như nó đã từng. Các công trình, đô thị mới đang dần phá vỡ đi cảnh quan của vùng đất này, khi lợi ích kinh tế được đặt lên hàng đầu, họ sẽ chẳng thể nào biết được, họ đang khiến một thành phố “buồn với vẻ bề ngoài nhưng bên trong đẹp tươi” trở thành một nơi “đẹp đẽ bên ngoài nhưng trong tâm lại héo mòn”.

Cố nhân – hẹn gặp lại

          Trở về với cuộc sống náo nhiệt hiện tại, một lần nữa tạm biệt Đà Lạt, tạm cất sâu vùng đất đó vào ngăn kéo của cuộc sống. Hy vọng rằng, đến ngày gặp lại, vị cố nhân mang tên Đà Lạt vẫn sẽ ôm trọn người lữ hành vào lòng, vẫn là những nét buồn đẹp đẽ để xua tan đi cái ủy mị của người trưởng thành.

Vũ Phong