Người Mỹ qua Canada và Mexico mua thuốc giá rẻ: Những điều cần biết

Bernard J. Wolfson/Kaiser Health News


Người Mỹ thường xuyên lách luật liên bang qua biên giới Canada và Mexico hoặc lên mạng mua thuốc ở nước ngoài với giá bằng một phần nhỏ giá họ mua tại các tiểu bang. Liệu điều này có an toàn không?

Đây là vài lời khuyên.

Một loạt bài xã luận nêu vấn đề người dân Mỹ phải đối mặt với việc chăm sóc sức khỏe tại California.

Trong nỗ lực điều chỉnh giá quá cao mà người Mỹ phải trả cho nhiều loại thuốc sinh tử, tháng vừa qua chính quyền Trump loan báo một chương trình hợp pháp hóa việc du nhập một số thuốc có toa từ những quốc gia có giá rẻ. Nhưng chương trình chỉ đề cập đến việc nhập thuốc ở cấp buôn sỉ, mà không nói gì đến việc hàng triệu người Mỹ mua thuốc sử dụng cá nhân từ ngoài nước Mỹ.

Việc người Mỹ qua biên giới Canada và Mexico hoặc lên mạng mua thuốc có toa bác sĩ từ những nhà thuốc nước ngoài với giá giảm rất nhiều. Đối với một số trường hợp, đó là cách duy nhất họ có đủ tiền để mua thuốc mà họ cần cho sức  khỏe, hay để giữ mạng sống. Và họ làm điều đó dù có cảnh báo của Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) về nguy cơ ô nhiễm hay thuốc giả.

“Thực tế thì cả triệu người đã mua thuốc kiểu này mỗi năm, và họ đã tiết kiệm được nhiều tiền hoặc đã mua được thuốc cần thiết mà họ chẳng thể mua được ở Mỹ vì giá quá cao,” theo ông Gabriel Levitt, chủ tịch của PharmacyChecker.com, một công ty giúp so sánh giá thuốc có toa giữa các nhà thuốc Mỹ và toàn cầu.

Với những người bị tiểu đường, không đủ khả năng mua insulin với giá ở Mỹ có thể là vấn đề sinh tử; đó là lý do tại sao rất nhiều gia đình tìm mua thuốc ở Canada hay Mexico.

Cô Robin Cressman, 34 tuổi, ở Thousand Oaks, California, bị tiểu đường “Loại 1” từ năm 2012, đã trở thành nhà hoạt động hăng hái để giảm giá thuốc. Cressman cho biết dù có bảo hiểm cô vẫn phải trả thêm tiền túi $7,000 một năm cho hai loại thuốc insulin Lantus và Humalog mà cô cần. Cô nói có lần nợ thẻ tín dụng của cô lên tới $30.000.

Năm ngoái, trong một dịp du ngoạn Tijuana, Mexico, Cressman ghé vài nhà thuốc để xem họ có thuốc của mình không. Vô cùng đắc ý, cô kể rằng mình có thể mua cả hai loại thuốc không cần toa bác sĩ rẻ hơn 10% giá tiền cô phải trả trong nước.

“Tôi rời Tijuana ngày hôm đó mà người cứ run lên vì tôi không thể tin nổi sao lại có thể dễ dàng để tôi mua insulin,” cô nói, “mà giá lại rẻ mạt như thế và tôi thấy mình giống như đã bị tống tiền cách thảm hại ở Mỹ.”

Nếu bạn dự định qua biên giới để mua thuốc hay mua ở nhà thuốc nước ngoài qua mạng cho sử dụng cá nhân, có hai điều bạn nên biết. Thứ nhất: Theo lý, điều đó bất hợp pháp. Thứ hai: Thực tế, không chắc bạn sẽ bị truy tố.

Mặc dù chính thức bị cấm, hướng dẫn của FDA cho phép nhân viên liên bang không thực thi quyền bắt bớ “khi số lượng và mục đích rõ ràng là để dùng cho cá nhân, và sản phẩm không gây rủi ro cho người dùng.”

Dùng cho cá nhân thường có nghĩa là không quá 90 ngày. Bạn nên nghĩ kỹ trước khi mang số lượng lớn hơn vì nếu giới chức thẩm quyền nghi bạn có ý định buôn bán, bạn có thể bị rủi ro pháp lý – và mất luôn cả thuốc.

Một tiệm thuốc tây tại Tijuana, Mexico. (Hình: Getty Images)

Những người kinh nghiệm nói thông thường bạn có thể qua quan thuế mà không bị rắc rối nếu bạn sở hữu không quá lượng thuốc cho ba tháng. Cần khai với quan thuế và trình toa bác sĩ cùng  tờ khai xác định thuốc để dùng cho cá nhân mình, kèm thông tin của bác sĩ.

Ngay cả trong trường hợp tồi tệ nhất, một nhân viên không thông cảm có thể tịch thu số thuốc nhưng không bắt giữ bạn.

Mua thuốc trên mạng từ các nhà thuốc nước ngoài cũng có chiều hướng không bị cản trở. Theo nguyên tắc, cơ quan FDA có thể từ chối không cho nhập gói hàng tại một bưu điện quốc tế. “Điều đó thỉnh thoảng có xảy ra,” nhưng không thường xuyên, ông Levitt nói.

Thường xảy ra hơn là những chuyến hàng vào được nhưng bị giữ lại vài ngày chờ FDA thanh tra.  Do đó, nếu bạn cần thuốc mỗi ngày, nên có một số dự trữ phòng khi bị chậm trễ.

Bác Sĩ Ken Croen, một bác sĩ gia đình tại Scarsdale Medical Group ở Westchester County, New York nhận định: Một rủi ro lớn hơn khi bạn mua thuốc ở nước ngoài là có thể bạn không có được đúng thứ thuốc mà mình đã trả tiền – và thuốc đó có thể không an toàn. “Có nhiều thuốc giả trong thế giới dược phẩm.”

Bác Sĩ Croen đã tư vấn nhiều bệnh nhân của mình cách để mua thuốc an toàn ở Canada.

Và cũng có không ít người giả mạo, đặc biệt là trong thế giới nhà thuốc qua mạng. Bạn cần làm chút kiểm tra: Trước khi mua thuốc với một nhà thuốc trên mạng, hãy yêu cầu họ xác nhận có giấy phép quốc gia và quốc gia đó phải có luật lệ dược phẩm chặt chẽ, theo Bác Sĩ Aaron S. Kesselheim, giáo sư y khoa tại Brigham & Women’s Hospital và Harvard Medical School.

Những quốc gia có luật lệ dược phẩm chặt chẽ gồm có Canada, New Zealand, Australia, phần lớn Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Kiểm tra nhà thuốc có ghi địa chỉ và số điện thoại trên trang mạng của họ. Các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng những nhà thuốc không đòi toa bác sĩ.

Một vài trang mạng làm việc kiểm tra cho bạn, dùng điều này và những tiêu chuẩn khác.

Hiệp Hội Canadian International Pharmacy Association có một trang mạng (cipa.com) cho phép bạn so sánh giá thuốc của nhiều nhà thuốc có giấy phép đã được họ kiểm chứng. Khách hàng của họ “có chiều hướng sống ở Mỹ, có lợi tức cố định hay thấp và không đủ tiền mua thuốc nơi mình sinh sống,” theo Tim Smith, tổng giám đốc của hiệp hội.

Để mua thuốc qua một trong những nhà thuốc có kiểm chứng của CIPA, bạn phải có toa bác sĩ hợp lệ và trình cho họ hồ sơ bệnh lý để phòng trường hợp phản ứng thuốc. Trang mạng này cũng đưa ra một danh sách các nhà thuốc “giả mạo.”

PharmacyChecker.com có dịch vụ tương tự, kết nối khách hàng với một mạng lưới rộng rãi những nhà thuốc trên mạng ở nước ngoài và tại Mỹ.

Chủ Tịch Levitt ghi nhận rằng trong khi nhập thuốc từ nước ngoài là “huyết mạch quan trọng” của nhiều người, thì người dùng vẫn có thể mua nhiều loại thuốc với giá phải chăng tại Mỹ.  Ông và những người khác khuyên bạn bỏ thời gian để so sánh giá thuốc tại Mỹ vì giá cả có thể khác biệt nhiều tùy từng nhà thuốc.

GoodRx bản doanh đặt tại Santa Monica, California, nghiên cứu giá thuốc của hơn 70,000 nhà thuốc trong toàn nước Mỹ và có phiếu giảm giá.

Ông Levitt cũng khuyên nên hỏi bác sĩ của bạn nếu có một phương pháp điều trị thay thế khả thi hoặc một loại thuốc “generic” (không mang thương hiệu nổi tiếng) giá thấp hơn. Nghiên cứu gần đây của PharmacyChecker cho thấy 88% của những loại thuốc generic được ghi toa nhiều nhất có thể mua ở Mỹ với giá rẻ hơn bên Canada.

“Nhiều khi không có lý do để đi ngoại quốc,” ông Levitt nói. “Thuốc thật ra rẻ hơn tại đây.”

(*) Bài này do Kaiser Health News, một chương trình biên tập độc lập của Kaiser Family Foundation, xuất bản.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/doi-song/nguoi-my-qua-canada-va-mexico-mua-thuoc-gia-re-nhung-dieu-can-biet/