Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đã đột ngột trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín (sinh ngày 29 -11-1952) là một diễn viên điện ảnh và đạo diễn, diễn viên sân khấu có nhiều vai diễn, tác phẩm nổi tiếng.

Ông đã đột ngột trút hơi thở cuối cùng lúc 5 giờ ngày 4-1 tại nhà riêng. Theo lời kể của một người bạn, ông ra đi đột ngột và đến khi vợ vào giường lay dậy mới biết rằng ông chẳng bao giờ thức được nữa.

Nguyễn Chánh Tín là con út trong gia đình có năm người con, cha là võ sĩ Nguyễn Chánh Minh nổi tiếng dưới thời vua Bảo Đại, mẹ là Lưu Ngọc Lan, một hoa khôi của vùng Bạc Liêu – Cà Mau.

Nguyễn Chánh Tín có năng khiếu hát từ nhỏ, ông thường được chọn biểu diễn đơn ca ở trường trong các dịp lễ. Ông học cấp 3 ở trường Mạc Đĩnh Chi, tham gia ban văn nghệ nhà trường với tư cách là ca sĩ.

Năm 1973 ông giành được huy chương vàng điện ảnh, lại được giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn.

Năm 1974, ông đóng cặp với diễn viên Băng Châu trong phim Vĩnh biệt tình hè của đạo diễn Lê Hoàng Hoa.

Sau sự kiện 30-4-1975, Chánh Tín làm diễn viên của đoàn kịch Bông Hồng. Theo lời nghệ sĩ Chánh Tín: “Vào năm 1975 tôi đang giàu có, có xe hơi, ở nhà villa còn lớn hơn cái bị tịch thu cơ nhưng rồi mất tất cả sau một đêm.

Vợ ông đi ủi đồ, dịch sách để nuôi chồng lúc ông không ra tiền, còn ông đi bán rau củ, lắp ráp xe đạp. Cả hai còn tham gia diễn trong đoàn hát của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng để kiếm sống.

Năm 1982, vì nghèo quá, khổ quá, chịu không nổi, Chánh Tín tìm cách vượt biên. Chuyến đi không trót lọt, ông phải về trình diện và bị bắt bỏ tù. Ông Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Văn hóa thông tin thành phố khi đó đã đề nghị công an vào khám đem Chánh Tín ra để đóng vai chính trong Ván Bài Lật Ngửa.

Thập niên 1990, Chánh Tín tiếp tục con đường nghệ thuật trong lĩnh vực phim nhựa. Với Ngôi Nhà Oan Khốc (1992) – tác phẩm do ông biên kịch. Đây là lần đầu ông thử sức với đề tài kinh dị – tâm lý. Bến Sông Trăng (1998) đánh dấu sự trở lại của ông với phim tâm lý – xã hội qua vai một bác sĩ yêu bệnh nhân. Giữa thập niên 2000, ông tiếp tục ghi dấu với phim Dòng Máu Anh Hùng – tác phẩm do Charlie Nguyễn, cháu của ông, đạo diễn.

Một thời gian sau, Nguyễn Chánh Tín mở Hãng phim Chánh Phương, nhưng làm ăn không thành công. Bộ phim Dòng Máu Anh Hùng không thu đủ tiền đầu tư. Phá sản ở tuổi xế chiều, ông phải bán ngôi biệt thự ở quận 10 để dọn vào ở trong một chung cư tại huyện Nhà Bè. Chánh Tín phải vừa đi hát phòng trà, bán quán nhậu vừa nhận phim để có tiền trang trải cuộc sống.

Bên nhau từ những năm đôi mươi, Chánh Tín và bà xã Bích Trâm trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn một lòng yêu thương nhau đến cuối đời.

Họ gặp nhau lúc ông còn là sinh viên trường Luật, bà là tiểu thư của một gia đình tri thức, có hai bằng tú tài của Pháp. Hơn 40 năm gắn bó, cả hai từng là cặp song ca nổi tiếng ở các tụ điểm ca nhạc Sài Gòn trước năm 1975.

Những năm tháng cơ cực đó, Bích Trâm bảo, bà sẵn sàng đi làm lại để giúp chồng nhẹ bớt một phần gánh nặng kinh tế. Nữ ca sĩ một thời cho biết, bà không nề hà việc gì và ước giá có ai mở nhà hàng rồi kêu mình đi nấu bếp cũng được. Dù buồn đến mấy, Bích Trâm cũng luôn tỏ ra mạnh mẽ để làm điểm tựa tinh thần cho chồng. Mất đi nhiều tiền của, tài sản lớn nhưng nỗi lo lắng lớn nhất của bà vẫn là sức khoẻ của người bạn đời.

Rất nhiều nghệ sĩ tỏ ra bàng hoàng với tin này, và đã đến thắp nén hương chia buồn tại tang lễ tài tử Nguyễn Chánh Tín.

Theo gia đình nghệ sĩ, tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại nhà riêng, và sau đó gia đình sẽ đưa đi Hoả táng tại nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh).

Viet Press tổng hợp