Tin Thế Giới

Thái Lan phong tỏa để đẩy lùi Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn tiến khó lường, khiến các nước đồng loạt hành động khẩn trương và quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus corona nguy hiểm này.

Theo trang thống kê Worldometers.inf, tính đến 17h ngày 30/3, hơn 734.000 người ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhiễm virus corona chủng mới, với ít nhất 34.700 người tử vong. Số ca hồi phục sau điều trị trên toàn thế giới đạt 155.950.

Chính quyền tỉnh Phuket của Thái Lan vừa ra quyết định cấm người dân và phương tiện ra vào địa bàn tỉnh. Đô đốc Luechai Ruddit thông báo Hải quân Thái Lan sẽ lập các bệnh viện dã chiến với tổng số giường lên tới 1.200 chiếc để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Phuket là một trong những tỉnh có nhiều ca nhiễm bệnh nhất, với 62 người.

Ngày 30/3, Thái Lan ghi nhận thêm 136 ca nhiễm mới trên toàn quốc, nâng tổng danh sách bệnh nhân Covid-19 lên 1.524 người, với 9 trường hợp tử vong.

Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan vừa đưa ra một loạt các gói kích thích, bao gồm quỹ 50 tỷ Baht (tương đương 1,53 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho công nhân thời vụ và người làm việc tự do với mức 5.000 baht/tháng trong vòng 3 tháng.

Toàn bộ nước Anh đặt trong tình trạng khẩn cấp

Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh Robert Kendrick thông báo toàn bộ nước này hiện đặt trong tình trạng khẩn cấp – một điều chưa có tiền lệ trong thời bình. Hiện các trung tâm điều phối chiến lược đã được thiết lập trên khắp đất nước và biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt hiện nay sẽ kéo dài thêm nhiều tuần nữa.

Quan chức phụ trách y tế của vùng England, bà Jenny Harries, cảnh báo nước Anh đang đối mặt với nguy cơ đỉnh dịch Covid-19 lần 2 nếu dỡ bỏ sớm những biện pháp phong tỏa.

Nga triển khai cách ly nghiêm ngặt

Ngày 30/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin yêu cầu chính quyền các khu vực trên toàn Liên bang xem xét triển khai các biện pháp hạn chế tương tự như ở thủ đô Moscow, theo đó thực hiện cách ly bắt buộc với mọi người dân để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Tại Moscow, người dân từ nay chỉ có thể ra đường trong trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp hoặc đến cửa hàng và hiệu thuốc. Tuy nhiên, những người phải đi làm vẫn có thể rời khỏi nhà.

Chính phủ Nga đã phê chuẩn quy định người vi phạm chế độ cách ly phải chịu trách nhiệm hành chính.

Theo báo cáo của Trung tâm phản ứng dịch bệnh tại Nga, trong vòng 24 giờ qua nước này có thêm 302 người nhiễm Covid-19, nâng tổng số lên 1.836 trường hợp. Số người bình phục đạt 66 trong khi 9 người tử vong.

Lầu Năm góc sơ tán quân lên núi phòng kịch bản xấu vì Covid-19

Lầu Năm góc đã bắt đầu sơ tán một số đội nhân viên thiết yếu thuộc Bộ Tư lệnh phương Bắc đến các hầm trú ẩn nằm sâu trong núi để phòng ngừa đại dịch Covid-19 diễn biến xấu nhất.

Tướng Không quân Terrence O’Shaughnessy là người đứng đầu Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORAD) cũng như Bộ Tư lệnh Phòng thủ không gian vũ trụ Bắc Mỹ (NORTHCOM), lực lượng chung của Mỹ và Canada, chuyên giám sát các bầu trời ở khu vực Bắc Mỹ trước những mối đe dọa từ trên không và tên lửa.

Trả lời phỏng vấn báo chí qua Facebook hồi tuần trước, ông O’Shaughnessy tiết lộ, một số đội giám sát của ông sẽ di dời hoạt động khỏi trung tâm chỉ huy bình thường của họ tại Căn cứ không quân Peterson ở bang Colorado (Mỹ) để chuyển tới các boongke ngầm, xây kiên cố ở trên núi.

Một trong những cơ sở như vậy là tổ hợp hầm trú ẩn núi Cheyenne, gồm một đường hầm ẩn giấu dưới 610 mét đá granite và đóng kín phía sau các cửa chống nổ, được thiết kế để chống chịu được một vụ nổ hạt nhân 30 megaton (tương đương sức công phá của 30 triệu tấn thuốc nổ TNT).

“Các chuyên gia tận tâm của chúng tôi thuộc các đơn vị chỉ huy và giám sát NORAD cũng như NORTHCOM đã rời nhà của họ, tạm biệt gia đình và cách ly với mọi người để đảm bảo họ có thể duy trì nhiệm vụ mỗi ngày để bảo vệ tổ quốc của chúng ta”, ông O’Shaughnessy nói.

Vị tư lệnh này cho biết thêm, đội ngũ nhân viên dưới quyền ông sẽ dùng chung các hầm trú ẩn dưới lòng đất cùng nhiều thành viên khác thuộc quân đội Mỹ, nhưng ông không được phép tiết lộ họ là ai. Một nhóm thuộc NORAD và NORTHCOM cũng được sơ tán tới một địa điểm mật an toàn khác.

Các cơ sở như Núi Cheyenne là phần không thể thiếu trong kế hoạch ứng phó với viễn cảnh ngày tận thế của chính phủ Mỹ. Trong trường hợp có mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ, chẳng hạn như một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra, tổng thống và các quan chức của ông cũng như đội ngũ các lãnh đạo chính trị, quân sự và dân sự sẽ ngay lập tức được sơ tán đến 4 cơ sở an toàn để điều hành đất nước từ sâu dưới lòng đất. Các cơ sở này là núi Cheyenne, Trung tâm Điều hành khẩn cấp của tổng thống thuộc Nhà Trắng, Khu phức hợp núi Raven Rock và Trung tâm Điều hành khẩn cấp Mount Weather ở bang Pennsylvania.

Dù dịch Covid-19 đang hoành hành chưa kích hoạt việc di dời hàng loạt ra khỏi Washington nhưng diễn biến dịch phức tạp đã buộc Bộ Quốc phòng Mỹ phải thực thi các bước cần thiết để đảm bảo họ vẫn sẵn sàng chiến đấu.

Sau khi thừa nhận rằng khả năng sẵn sàng của quân đội có thể bị ảnh hưởng vì sự bùng phát của virus corona chủng mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố ngày 26/3 rằng, Lầu Năm góc sẽ ngừng công bố các chi tiết chính xác về những trường hợp nhiễm Covid-19 trong hàng ngũ của họ để tránh tiết lộ những điểm yếu cho kẻ thù của Mỹ biết.

Ngoài việc di dời hoạt động của một số lực lượng lên núi, Lầu Năm góc cũng cử các kỹ sư thuộc quân đội tới NewYork để khảo sát những địa điểm xây dựng bệnh viện dã chiến khi số ca nhiễm Covid-19 ở bang này không ngừng gia tăng và hiện chiếm tới 1/3 trong tổng số hơn 142.00 ca dương tính với mầm bệnh nguy hiểm trên toàn quốc.

Lực lượng lính dự bị cũng có thể được điều động hỗ trợ chính quyền các địa phương đối phó với dịch bệnh sau khi gần 10.000 lính Vệ binh quốc gia đã tham gia quá trình đó. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Esper đã công bố luật sửa đổi, cung cấp ngân sách liên bang cho những tỉnh bang muốn triển khai thêm những binh sĩ này.

Ngoài ra, hai tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ cũng đã lên đường tới hỗ trợ điều trị bệnh nhân ở New York và Los Angeles giữa lúc dịch bùng phát mạnh.

Số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã vượt 700.000

Toàn cầu đã có hơn 700.000 người được xác nhận dương tính với virus corona theo số liệu chính thức, với hơn 34.000 người tử vong, tính đến chiều 30/3 theo giờ Việt Nam.

Theo thống kê được cập nhật liên tục của Đại học John Hopkins dựa trên các nguồn chính thức, thế giới đã có ít nhất 724.201 ca nhiễm virus corona chủng mới được xác nhận tại 177 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 34.026 người đã tử vong.

Mỹ vẫn đang dẫn đầu về số người nhiễm với 143.055 ca, bao gồm 2.513 người đã tử vong. Trong khi đó, Italy là nước đứng đầu về số người tử vong với 10.779 ca, trong tổng số 97.689 ca nhiễm.

Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát hồi tháng 12/2019, đứng thứ ba về số ca nhiễm với 82.156 ca được thống kê, trong đó có 3.308 ca tử vong.

Tiếp theo trong danh sách các nước có số ca nhiễm nhiều nhất lần lượt là Tây Ban Nha (80.110 ca), Đức (62.435), Pháp (40.723) và Iran (38.809). Các nước còn lại trong top 10 gồm Anh, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Số người nhiễm virus trên thực tế được cho là cao hơn nhiều so với số liệu được công bố vì nhiều nước chỉ xét nghiệm những người nghi ngờ nhiễm virus nếu họ nhập viện hoặc họ có triệu chứng nặng. Những trường hợp dương tính nhưng có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể bị bỏ sót.

Triều Tiên tuyên bố thử bệ phóng tên lửa siêu lớn

Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm thành công bệ phóng tên lửa phóng loạt siêu lớn có thể được vũ trang hạt nhân, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càn quét thế giới.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) xác nhận vụ thử nghiệm bệ phóng tên lửa phóng loạt siêu lớn vào ngày 29/3, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như không trực tiếp thị sát vụ phóng như thường lệ, AFP đưa tin.

Trong khi thế giới tập trung vào chiến đấu với đại dịch Covid-19, Triều Tiên khẳng định họ không có ca nhiễm Covid-19 nào. Bình Nhưỡng đã thực hiện 4 vụ phóng tương tự trong tháng này.

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un không thị sát vụ phóng như thường lệ được xem là một “bất thường”. Vụ phóng hôm 29/3 được giám sát bởi ông Ri Pyong Chol, Phó bí thư thứ nhất, đảng Lao động Triều Tiên và các quan chức Viện hàn lâm Khoa học Quốc phòng.

Hàn Quốc cho biết 2 tên lửa được phóng đi từ thành phố cảng Wonsan và rơi xuống Biển Nhật Bản. Hình ảnh do báo Rodong Sinmun công bố cho thấy tên lửa rời bệ phóng chứa 6 đạn tên lửa, làm nổi bật những gì dường như là mục tiêu của Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí.

“Do sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Kim, Triều Tiên đang cố gắng giảm tầm quan trọng của vụ phóng và nhấn mạnh thử nghiệm chỉ là một phần của cuộc tập trận bình thường”, Go Myong Hyun, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Asan cho biết.

Lần gần nhất nhà lãnh đạo Kim thị sát đợt thử nghiệm tên lửa diễn ra vào tháng 10/2019, vài ngày trước khi các quan chức Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị gặp nhau ở Stockholm, Thụy Điển để tìm cách nối lại đàm phán phi hạt nhân bị gián đoạn.

Triều Tiên vẫn chưa công bố ca nhiễm Covid-19 nào và một trong những quốc gia hiếm hoi còn lại trên thế giới chưa bị virus corona tấn công. Nhưng giới phân tích cho rằng virus corona có thể đã xuất hiện ở Triều Tiên.

Philippines báo kit thử virus của Trung Quốc sai, Bắc Kinh nổi giận

Thứ trưởng Y tế Philippines cuối tuần qua thông báo kit thử Covid-19 của Trung Quốc có độ nhạy chỉ 40%, sau đó cơ quan này đính chính này có nhầm lẫn.

Bộ Y tế Philippines ngày 29/3 chính thức xin lỗi phía Trung Quốc về những bình luận cho rằng 2 lô kit thử Covid-19 do Trung Quốc cung cấp không đạt chuẩn.

Trước đó một ngày, Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Verger nói một số kit thử do BGI Group và Sansure Biotech cung cấp có độ nhạy chỉ 40% trong chẩn đoán bệnh nhân nhiễm virus corona. Philippines buộc phải hủy một số kit thử của Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila bác bỏ các cáo buộc này, khẳng định kit thử do Trung Quốc cung cấp cho Philippines đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh số kit thử đã đóng “vai trò đáng kể” giúp Philippines ứng phó dịch Covid-19.

“Chất lượng 2.000 kit thử từ BGI Group và 100.000 kit thử acid nucleic từ Sansure Biotech là rất tốt. Không có vấn đề nào về độ chính xác”, thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết.

Cơ quan này nhận định các bình luận của Bộ Y tế Philippines là thiếu trách nhiệm, đồng thời cảnh báo gây hiểu nhầm trong dư luận và cản trở nỗ lực hợp tác chống dịch bệnh.

“Bộ Y tế muốn làm rõ rằng 2.000 kit thử RT-PCR của BGI và 100.000 kit thử RT-PCR của Sansure, do chính phủ Trung Quốc tặng, đã được đánh giá bởi Viện Nghiên cứu Y học Nhiệt đới (RITM) đạt chuẩn với kit thử do WHO cung cấp”, thông báo đính chính của phía Philippines ngày 29/3 cho biết.

Bộ Y tế Philippines cho biết những kit thử thiếu chính xác được phát hiện trước đó thuộc một lô sản phẩm khác, nhận từ một nguồn quyên tặng ở Trung Quốc.

Trung Quốc cần siết chặt quản lý chất lượng đối với xuất khẩu trang thiết bị y tế và không hỗ trợ những doanh nghiệp sản xuất thiết bị kém chất lượng. Tờ báo đồng thời nhấn mạnh chính phủ các nước chỉ nên mua sản phẩm từ những công ty đã được đại sứ quán Trung Quốc đề xuất.

Trước đó, Tây Ban Nha cũng khiếu nại một số kit thử phết mũi mua từ công ty Bio Easy Biotechnology ở Thâm Quyến có độ chính xác dưới 30%. Công ty này đã cam kết sẽ gửi hàng thay thế. Đại sứ quán Trung Quốc ở Madrid cho biết Bio Easy không nằm trong danh sách nhà cung cấp được thống nhất giữa chính phủ hai nước.

Ngày 28/3, Bộ Y tế Hà Lan cũng thu hồi 600.000 đơn vị trong số 1,3 triệu khẩu trang được sản xuất ở Trung Quốc do không đạt tiêu chuẩn an toàn. Theo AFP, qua kiểm tra, Bộ Y tế Hà Lan phát hiện khẩu trang có tấm lọc khí bị lỗi và không che kín vùng cần bảo vệ trên mặt.

Trung Quốc đã gửi nhiều trang thiết bị và chuyên gia y tế đến các nước phối hợp ứng phó Covid-19. Một đội 15 chuyên gia và 17,5 tấn trang thiết bị y tế ngày 28/3 lên đường sang Anh hỗ trợ chống dịch. Các đội y tế Trung Quốc đã được gửi đến Lào, Pakistan, Iran, Iraq, Campuchia, Italia và Serbia.