Nga cảnh báo Mỹ không được đơn phương tấn công Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Mỹ không được phá luật quốc tế, đơn phương tấn công CHDCND Triều Tiên.

Nga cảnh báo Mỹ không được đơn phương tấn công Triều Tiên
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov – Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên được ông Lavrov đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 17-4 tại thủ đô Matxcơva.

“Đấy là con đường liều lĩnh. Chúng ta không chấp nhận hành động thử hạt nhân bất chấp của Bình Nhưỡng. Nó vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là quý vị (Mỹ) có thể vi phạm luật quốc tế”, hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Lavrov nhấn mạnh.

Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người đang có chuyến thăm 3 ngày tới Hàn Quốc, nhắc lại tuyên bố “chiến lược kiên nhẫn của Mỹ với Triều Tiên đã chấm dứt”.

Ông Pence cảnh báo Bình Nhưỡng đừng nên khiêu khích các cam kết sát cánh cùng đồng minh của Mỹ và hãy nhìn vào những gì Washington đã phô diễn ở Afghanistan lẫn Syria.

Nhắc đến tuyên bố này, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: “Tôi hi vọng sẽ không có bất kỳ hành động đơn phương nào giống như những gì chúng ta chứng kiến gần đây ở Syria”.

Các dấu hiệu trong ngày 17-4 tại bán đảo Triều Tiên cùng phản ứng của Mỹ, Trung Quốc cho thấy dường như các nước đã tìm được tiếng nói chung trong việc giảm căng thẳng ở Đông Bắc Á.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra dịu giọng với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, trái ngược hẳn với các tuyên bố cứng rắn, mang tính thúc ép Bắc Kinh trước đó.

“Mắc gì tôi lại tố Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ trong khi họ đang phối hợp với chúng ta trong vấn đề Triều Tiên cơ chứ? Cứ chờ coi chuyện gì sẽ xảy ra.”

Giới quan sát nhận định câu tweet ngắn ngủi của ông Trump cho thấy nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận trong giải quyết những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên những ngày gần đây.

Dù sau đó ông Trump có bắn đi một thông điệp mang tính đe dọa trên Twitter, rằng Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài xây dựng và phát triển quân đội hùng mạnh, song theo giới quan sát, nó chỉ là một câu nói “vu vơ” không đáng chú ý.

Phó Tổng thống Pence trong chuyến thăm đến Hàn Quốc, ngày 17-4 cũng nhắc lại các tuyên bố cứng rắn của Mỹ đối với Triều Tiên, song nhấn mạnh Washington muốn duy trì an ninh khu vực và giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình.

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cũng tuyên bố Mỹ, các nước đồng minh trong Đông Bắc Á và Trung Quốc đang “cùng nhau ngồi lại bàn thảo các biện pháp khả dĩ, loại trừ giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề một cách hòa bình”.

Ngày 17-4, tại Bắc Kinh, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng dù nhắc lại quan điểm phản đối của chính quyền Bắc Kinh đối với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc, song kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Ông Trump vẫn giữ phương án tấn công bất ngờ Triều Tiên

Sau vụ thử tên lửa tầm trung thất bại của Bình Nhưỡng, Tổng thống Donald Trump vẫn tính đến khả năng tiến hành một hành động quân sự vào Triều Tiên.
Ông Trump vẫn giữ phương án tấn công bất ngờ Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cắt băng khánh thành tại một buổi lễ ngày 16-4 ở Bình Nhưỡng – Ảnh: KCNA/Reuters

Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin trên từ một nguồn tin thân cận của Nhà Trắng. Nguồn tin nói rằng ông Trump sẵn sàng tính đến khả năng triển khai một hành động quân sự “mang tính tạo động lực” thay đổi, trong đó bao gồm cả khả năng tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ, để đối phó với các hành vi gây bất ổn khu vực của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên nguồn tin này cũng nói rằng điều mà ông Trump mong muốn hơn là Trung Quốc sẽ nắm vai trò chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cũng theo hãng tin Bloomberg, ở một diễn biến liên quan, trong phản ứng đầu tiên đưa lên mạng Twitter đầu ngày 16-4, sau vụ thử tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng, ông Trump đề cập thẳng thừng về chuyện sẽ không gán nhãn quốc gia thao túng tiền tệ với Trung Quốc nếu nước này giúp Mỹ kiềm chế Bình Nhưỡng.

Ông Trump viết: “Tại sao tôi lại gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ khi họ đang giúp chúng ta giải quyết vấn đề Triều Tiên chứ? Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra!”.

Có thể thấy chiến lược hành động của ông Trump rõ ràng không xa rời với chính sách lâu nay của Mỹ. Chỉ có điều ông Trump không đặc biệt quan tâm tới vấn đề lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, và cũng không muốn tìm kiếm một giải pháp để thống nhất hai miền Triều Tiên.

Thay vào đó, ông Trump thực sự mong muốn thúc đẩy tiến trình hợp tác lâu dài giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump đã cân nhắc kỹ lưỡng nhiều tình huống khác nhau mà CHDCND Triều Tiên có thể triển khai cuối tuần qua, cũng như cách ứng phó tương ứng trong từng tình huống của Mỹ.

Do đó khi vụ thử tên lửa tầm trung thất bại ngay khi phóng vào đầu buổi sáng 16-4 theo giờ địa phương, ông Trump đã được thông tin tức thì về sự việc và quyết định tỏ thái độ xem nhẹ sự việc đó.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng H.R. McMaster sau đó gọi những hành động của Triều Tiên là “mang tính khiêu khích và gây bất ổn, đe dọa”, đồng thời cũng đã bày ra tất cả những lựa chọn hành động khác nhau với tổng thống Trump khi nhóm của ông phải lên kế hoạch hành động của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc phỏng vấn phát trên đài ABC (Mỹ) ngày 16-4, ông McMaster cho biết ông Trump đã chỉ đạo Hội đồng An ninh Quốc gia hợp tác với Bộ Quốc phòng và Bộ ngoại giao cùng các cơ quan tình báo để “cung cấp những lựa chọn và sẵn sàng trình lên ông nếu kiểu hành vi gây bất ổn này tiếp diễn”.

Nhiều giờ sau vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên thất bại, ông McMaster nhấn mạnh về việc ông Trump thiên về khả năng triển khai một hành động tấn công không báo trước.

Ông McMaster cũng nói thêm rằng sự khó đoán về hành xử của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gây phức tạp thêm cho chiến lược hành động của Mỹ.

Tổng hợp