phận bèo

Đặt tờ báo lên bàn, tôi nhìn mông lung ra ngoài đường phố qua khung cửa sổ với tâm trạng thật buồn. Giờ này, ngoài đó, dòng người qua lại vẫn nhôn nhịp tươi vui và rất vô tư tận hưởng những tia nắng vàng ấm áp của những ngày cuối thu rực rở. Riêng tôi chỉ cảm thấy chơi vơi gía lạnh và tâm hồn trống trải vì đang bị chi phối bởi cái tin ngắn ngủn vừa đọc qua trong báo chí, nó viết về đoạn kết của một cuộc đời mà tôi quen biết. Tôi không bao giờ nghĩ rằng câu chuyện lại có thể kết thúc một cách sầu thảm như thế được và càng không muốn tin rằng, đó là sự thật. Tuy nhiên, rỏ ràng hình ảnh và tin tức loan truyền về cái chết cháy do điện cao thế gây ra và nạn nhân không ai khác hơn là chính nó, làm cho tôi quá thẩn thờ không tưởng tượng nổi…

Mới hôm nào còn ngồi cạnh tôi trong căn phòng nhỏ của một chung cư đẹp giữa thành phố, nơi dành cho các thanh thiếu niên tị nạn nước ngoài dưới hai mươi, không có thân nhân ở trọ, miệng tươi cười , nó khoe khoang về kế họạch cho một chuyến đi xa sắp tới:

– Em quyết định rồi, sẽ qua Pháp và từ Pháp qua Anh sống. Sống ở đây buồn quá và không thấy có tương lai.

Tôi mở to con mắt ngạc nhiên nhìn nó, như chưa bao giờ được nghe đến đề tài này, dù đã phân tích cặn kẽ:

– Đi đâu cũng thế thôi em ơi, các nước Tây Âu giờ cùng một khối mà. Khác một điều là hiện nay em đang được nhà nước Áo chăm lo cho đời sống, cho ăn học và mọi thứ đều diễn tiến tốt đẹp. Qua những quốc gia khác, chắc gì em đã được như thế này

Mặc cho tôi khuyên can, nó vẫn cứng đầu cãi bướng và nói rằng đó là quyền riêng tư của con người và không ai được phép đụng chạm tới.

– Anh nói chuyện vui thật, mấy thằng bạn em vừa mới vượt biên qua được tới bên đó, chúng kể toàn chuyện vui lý thú và bảo đảm là nước Anh sẽ đối xử với tụi em tốt hơn bên này. Chắc chắn em sẽ được họ cho tị nạn và tương lai sẽ sáng sủa hơn ở cái đất nước buồn thiu này.

Tôi vẫn kiên trì động viên:

– Cái gì cũng cần có thời gian mà em. Ngoài ra em sống ở đây nhưng chưa sẵn lòng hòa mình vào môi trường sống với mọi ngưòi, thì sao vui được. Thí dụ như học ngoại ngữ nè và quan trọng hơn hết, hãy nhớ rằng em không có một lý do gì để gọi là tị nạn chính trị hết thì ai cho mình tị nạn. Đúng ra họ trục xuất về ngay rồi đấy, nhưng vì nhân đạo, họ chưa làm điều đó, cơ hội cho em vẫn còn mà. Những thanh niên bản xứ, chưa chắc họ được những ưu đãi như em đang có, do vậy cứ cố gắng và từ từ em sẽ có mọi thứ như người ta thôi.

Nó bực dọc đi lại phía cửa sổ, nhìn xuống phía dười đường phố nhộn nhịp rồi bỗng thở dài:
– Em không thể chờ đợi được từ ngày này qua ngày khác, gia đình em còn nợ nần tiền bạc ở Việt Nam cho chuyến đi của em và cần phải trả. Người ta nhận em vào đây là phải lo cho em một công việc kiếm tiền. Học ngoại ngữ làm gì chứ? Chán phèo như vậy mà anh cho là sướng sao? Biết thế, em chẳng thèm qua đây làm chi… ở nhà ba mẹ cưng…. sướng chán!

Mặc kệ cho nó than thở này nọ hay khoe khoang gì đó về gia đình nó, nhưng tôi không thể làm ngơ khi nó luôn trê trách cái đất nước đang cho nó tạm dung này, nhất là nếu như ở nhà nó sung sướng tự do, thì đâu cần phải bỏ tiền của để lặn lội qua đây. Sự thật nó là một trong những người may mắn khi được cái xứ sở xa lạ này đón nhận nên hãy hài lòng và chịu khó tận dụng cơ hội để vươn lên thì hay nhất.

Nhớ lần đầu tiên tình cờ gặp nó vài tháng trước trên đường phố, nó ngồi bó gối co ro trên một ghế đá với bộ quần áo cũ mèm nhăn nhó, ngơ ngác nhìn tôi như muốn hỏi điều gì, rồi lại thôi… Tôi lên tiếng trước:

– Chào em, làm gì mà buồn thế?

Như bắt được vàng, nó mừng ra mặt, tíu ta tiú tít:

– Thế mà em cứ tưởng anh là người Hàn Quốc mới chết chứ.

Tôi ngạc nhiên trước sự nhận xét của nó:
– Nếu mà anh không nói chuyện, chắc em không bao giờ nghĩ anh là người Việt đâu. Thế tại sao anh lại biết em là người Việt mà hỏi chuyện?

– Có gì khó đâu, nhìn là biết thôi… mà hình như em vừa tới đây?

– Anh tài thật. Đúng rồi đó.

Sau khi giới thiệu tên tuổi và nói linh tinh, cuối cùng thì tôi được biết nó vượt biên đến Áo qua các quốc gia Đông Âu, và được cảnh sát Áo giao cho một hội từ thiện chăm sóc. Tôi đề nghị:

– Nếu em cần giúp đỡ gì đó, thì cứ liên lạc với anh.

Nó mừng rỡ và chúng tôi kéo nhau vào một nhà hàng Á Đông ngay đó. Vừa ăn, nó vừa say mê kể:

– Đã lâu lắm rồi em chưa được ăn uống đàng hoàng như hôm nay. Thèm cơm quá trời luôn. Anh biết không, sau khi du lịch qua Nga thì người ta tịch thu hộ chiếu của tụi em và phải chờ đợi nhiều ngày đêm tại nhiều biên giới các nước khác nhau trước khi họ đẩy tụi em xuống một khu rừng ở biên giới Tiệp và Áo mà họ quả quyết đó là nước Đức…

Tọi ngạc nhiên:

– Thế mà anh cứ tưởng em đi một mình chứ?
– Không đâu anh, nhiều lắm, nhưng những người kia hiện giờ ở đâu em không biết. Cũng có thể bị bắt, riêng em thì thoát được.
– Chúc mừng em.

Tôi chợt sực nhớ lại hình ảnh vừa xem trên tivi trong một chương trình phóng sự, ở đó họ tường thuật về những người vượt biên lậu bị bắt và biết đâu trong đó cũng có bạn bè của nó. Những ánh mắt cầu xin, những khuôn mặt mệt mỏi, những tấm thân không sức sống đó không thể nào làm tôi dễ quên được. Thật đáng thương cho những con người từ bỏ quê hương để đi tìm một cơ hội mới nhưng cũng bị ruồng bỏ.

Nhìn khuôn mặt non choẹt trong độ tuổi 17 của nó đầy vẻ mệt mỏi âu lo, đang hé lộ lên nét vui tươi khi gặp được đồng hương nơi xứ lạ của nó, làm cho tôi cũng vui theo, rồi tôi lại chợt nhớ đến những số phận không may khác khi vượt biên như nó, nhớ tới những người bạn trẻ của tôi cầm súng hy sinh trên đất Campuchia lãng nhách, nhớ tới bao nhiêu thuyền nhân vượt biển khi xưa phải bỏ mạng nơi biển cả…. rồi nhớ tới thân phận của tôi cũng ba chìm bảy nổi khi xưa nơi quê nhà và những ngày đầu bơ vơ nơi xứ người như nó hiện nay. Tuy nhiên dẫu sao nó vẫn may mắn hơn vì gặp được tôi giúp đỡ, hướng dẫn và an ủi trong thời gian đầu ở đây, điều mà tôi không may mắn có được. Đúng ra nó nên vui và bằng lòng với những may mắn đang có, thì nó lại luôn than van:

– Em chỉ ước muốn có thật nhiều tiền ngay lúc này, sắm một xe hơi đẹp như người ta và sẽ vi vu đó đây cho thoả thích. Ôi mấy thằng bạn em ở quê chắc phải phát sốt lên đó anh.

Rồi nó nói tiếp:

– Em nghe nói ở đây khỏi phải đi làm cũng có tiền xã hội do nhà nước cho xài thoải mái phải không anh? Thế thì khi nào em mới được tiền đó vậy?

Tôi cười vui và lại giải thích thêm lần nữa:

– Dĩ nhiên là có tiền xã hội, nhưng không phải ai cũng được lãnh đâu em. Hiện giờ sự thật em cũng đang được trợ giúp mọi thứ đó, em không biết sao? Nếu như chịu khó học ngoại ngữ rồi học nghề và sau đó đi làm, thì em sẽ có mọi thứ từ đồng lương của em, đâu cần gì tới tiền trợ cấp xã hội.

– Trời, đợi tới ngày đó chắc em già rồi anh ơi. Em chỉ muốn có ngay bây giờ thôi.

– Có gì mà phải gấp gáp thế? Em mới đến đây, trước tiên cần phải tìm hiểu về đất nước và con người nơi em đang sống để mình có thể hội nhập tốt. Thay vì cứ đi chơi hay ngồi đó mơ mộng giàu sang, thì em nên học ngoại ngữ và giao tiếp với người bản xứ. Nó sẽ là bàn đạp cho em tiến thân đó!

Nó cười chua chát:

– Những điều anh nói toàn là lý thuyết thôi, chán chết. Học ngoại ngữ để làm gì?

– Thì để sau này em có thể tự mua cho mình chiếc xe đẹp được mà không cần thông dịch viên chẳng hạn. Các bạn thanh niên bản xứ trẻ như em họ cũng vừa đi học và vừa đi làm đó em.

– Chán thế! Vậy mà ở Việt Nam người ta nói với em hoàn toàn khác cơ.

Tôi chuyển sang đề tài khác thực tế hơn:

– Em có biết ở đây người ta không nhận di dân kinh tế không?

Nó nghi ngờ nhìn tôi:

– Ai bảo thế? Ở Việt Nam họ bảo là trại tị nạn vẫn mở cửa và nếu không thì tại sao họ lại nhận em vào đây?

– Em quên rằng họ nhận em với lý do em dưới 18 tuổi và những ai trên 18 thì họ sẽ trục xuất về nước rồi sao?, nếu không hội đủ lý do tị nạn chính trị mà em thì chẳng bao giờ quan tâm hay biết tí gì về chính trị đúng không?

– Ôi sao mà lôi thôi thế!

Tôi  không muốn làm cho nó cảm thất thất vọng nên cũng chẳng thèm kể cho nó nghe chuyện về những đồng hương bị trục xuất sau một thời gian tạm trú tại đây, dù cũng được chính quyền cho chỗ nương tựa. Ngưòi ta đã chán khi biết tấm lòng nhân ái của họ bị lạm dụng nên từ sự yêu thương đùm bọc thì giờ trở thành sự thờ ơ lạnh lùng và xua đuổi. Đúng ra, nó nên vui mừng vì nó vẫn hơn nhiều người cùng hoàn cảnh.

– Em nghe nói ở bên Anh vui lắm phải không anh, người nước ngoài được tự do và được trọng dụng đúng không anh?

Nói tới nói lui, nó lại quay về đề tài cũ làm tôi ngán ngẩm:

– Anh nghĩ vui hay buồn, thành công hay thất bại đều do mình cả. Em cứ chịu khó làm sao để ổn định cuộc sống nơi đây, sau đó có giấy tờ công việc, muốn đi đâu mà chẳng được, em còn trẻ mà!

Nó đăm chiêu suy nghĩ làm tôi cảm thấy vui và hy vọng là nó sẽ thay đổi ý tưởng. Bẵng đi một thời gian bận rộn, gặp lại nó, thấy nó thay đổi quá nhiều về vẻ bề ngoài. Khuôn mặt xương xẩu hôm nào giờ đã căng tròn, tóc tai nhuộm màu đúng kiểu cách và quần áo thật đúng thời trang. Cái vẻ thẹn thùng nhút nhát không tự tin ngày nào đã biến mất, thay vào đó là những điệu bộ nhún nhảy chỉ trỏ y chang những anh chàng hát nhạc Rap. Vỗ ngực mấy cái tự đắc, nó khoe khoang:

– Em giờ xài đồ hiệu thôi nha anh nhưng hoàn toàn miễn phí đó.

– Ừ, hội từ thiện tốt thật đó đúng không?

Nó trợn mắt nhìn tôi:

– Ơ hay, hội từ thiện nào ở đây hả anh. Mấy cái này em chôm trong cửa hàng đấy, dễ như chơi thôi.

– Trời ơi! Sao em lại làm như thế, nếu người ta bắt được là nguy hiểm tới giấy tờ định cư đó.

Nó thản nhiên:

– Tưởng gì, họ bắt được mấy lần rồi nhưng kệ, có phạt được em đâu mà lo. Không có tiền phạt thì cũng huề vốn thôi anh ạ.

Tôi cảm thất thất vọng tràn trề cho nó và chẳng hiểu nó muốn gì ở nước Anh khi các nước Tây Âu giờ cũng là một khối như nhau. Thôi thì kệ nó, thân ai nấy lo và sự quan tâm giúp đỡ của tôi cũng nhạt nhòa dần…

Thời gian vẫn trôi qua, tưởng rằng nó đã thay đổi và hội nhập với cuộc sống ở đây, nào ngờ hôm nay đọc bài báo mới hay nó đã bị tai nạn chết khi chưa thực hiện được ước mơ viễn vông. Nhớ lần cuối cùng tôi nhắc nhở nó:

– Em có làm như vậy rất là nguy hiểm. Trên nóc xe lửa là những dòng điện cao thế có thể làm tiêu tan sự sống của em bất cứ khi nào đấy. Leo lên đó mà trốn sao được, họ bắt được là phạt nặng lắm đó.

– Anh an tâm, em nghiên cứu kỹ rồi, vả lại ở Việt Nam em cũng đã từng nhảy tàu mà… chẳng cần hộ chiếu hay vé tàu gì cả, leo lên đó nằm im là xong thôi. Một thời gian ngắn nữa thôi là em có mặt ở nước anh rồi…. Ôi thích thật!

Câu nói quả quyết đầy tự tin của nó hình như vẫn còn vương vấn quanh đây, nhưng sao tôi nghe xa vời vợi quá. Đã trễ rồi nếu như giờ nó còn sống và muốn bắt đầu làm lại cuộc đời.

Tôi cất tờ báo vào trong tủ để ghi lại dấu ấn cho một cuộc đời buồn tẻ, một số phận hẩm hiu không hài lòng với thực tại và không chịu khó vươn lên.

Cuộc đời chúng ta, nó giống như những cánh bèo trôi lang thang đó đây. Có những cánh bèo vướng phải ao tù nước đọng nên suốt đời chỉ quanh quẩn nơi đó không lối ra. Có những cánh bèo khác gặp phải con nước to và trôi dạt trên sông lớn rồi tấp được vào một bến bãi bình yên hơn, nhưng cũng có những cánh bèo khác thì cứ trôi dạt mãi không bến bờ và tan xác trong con nước dữ, y như cuộc đời bồng bềnh không nhà của nó.

Pham Minh Châu
2002