Tin Thế Giới 09/04/2020

Vừa nới lệnh phong toả, hàng vạn người Trung Quốc kéo nhau đi tham quan


Một khu du lịch nổi tiếng ở đông nam Trung Quốc buộc phải đóng cửa sau khi hàng chục nghìn người kéo nhau tới đây hồi cuối tuần qua.

Việc hàng đoàn người kéo nhau tới núi Hoàng Sơn ở tỉnh An Huy đã bật dậy những khó khăn mà Trung Quốc có thể phải đối mặt trong tương lai, khi nước này muốn quay trở lại tình trạng bình thường trong khi vẫn kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Bắt đầu từ ngày 4/4, chính quyền tỉnh An Huy đã mở cửa miễn phí 29 địa điểm, gồm cả núi Hoàng Sơn để tăng số lượng du khách. Khách tham quan được yêu cầu xác nhận tình trạng sức khỏe qua một ứng dụng, đeo khẩu trang y tế và đo thân nhiệt trước khi vào điểm tham quan.

Tuy nhiên, hôm 5/4, ban quản lý điểm du lịch này tuyên bố đóng cửa vì số lượng du khách tới đây hàng ngày đã tới mức giới hạn là 20.000 người. Cơ quan này cũng kêu gọi mọi người tới tham quan các địa điểm khác hoặc tới điểm du lịch này vào thời điểm khác.

Ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo cho thấy nhiều nhóm khách leo núi trong ba ngày của lễ Thanh minh.

“Ngành du lịch bị tác động nặng nề và những ngành có liên quan cũng vậy”, một người dùng Weibo bình luận. “Tuy nhiên, đại dịch vẫn chưa qua. Nếu các điểm du lịch được mở cửa, cần hạn chế số lượng du khách cũng như các khách từ bên ngoài vào”.

Một loạt các điểm thu hút khách du lịch ở Thượng Hải, gồm cả tháp Đông Phương Minh Châu và tháp Jinmao tuần trước đã phải đóng cửa một lần nữa, chỉ 2 tuần sau khi mở cửa trở lại.

Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng kỷ lục, Nga báo động đỏ

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Nga đã có thêm 954 ca nhiễm mới Covid-19, mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này cho đến nay.

Hầu hết các ca mắc Covid-19 tại Nga tập trung ở thủ đô Moscow. Chính quyền thành phố đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, cấm mọi hoạt động kinh doanh và di chuyển không cần thiết nhằm ngăn ngừa mầm bệnh nguy hiểm lây lan. Nhà chức trách dự kiến sẽ gỡ bỏ các biện pháp hạn chế này vào đầu tháng 5.

Phát biểu trên truyền hình hôm 5/4, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin tuyên bố, thành phố này được đánh giá là có “nguy cơ cao nhất” về dịch Covid-19 do lượng lớn du khách quốc tế di chuyển qua đây.

Thị trưởng Sobyanin nhấn mạnh, việc gia tăng số bệnh nhân phải nhập viện vì mắc virus corona chủng mới buộc ông phải cho thực thi các biện pháp mạnh tay để dập dịch. Quan chức này cũng kêu gọi người dân duy trì giãn cách xã hội, làm việc từ xa và hạn chế tiếp xúc trực tiếp để cuộc chiến chống Covid-19 thành công.

Bộ Ngoại giao Mỹ lên án TQ đâm chìm tàu cá Việt Nam, kêu gọi TQ tập trung chống đại dịch Covid-19

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, đây là sự việc mới nhất trong chuỗi hành vi nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus vừa có tuyên bố lên án hành vi đâm chìm tàu cá Việt Nam của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Theo thông tin trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này bày tỏ thái độ quan ngại mạnh mẽ về việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa.

“Đây là sự việc mới nhất trong chuỗi hành vi nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển phi pháp của Trung Quốc và làm yếu thế các quốc gia láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông“, bà Morgan Ortagus nhấn mạnh.

Kể từ khi bùng phát đại dịch toàn cầu, Trung Quốc cũng khánh thành các trạm nghiên cứu đặt tại căn cứ quân sự nước này xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập và đá Subi; hạ cánh nhiều máy bay quân sự đặc chủng ở đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển ở quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn chứng.

Đường 9 đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, theo phán quyết của tòa án quốc tế hồi tháng 7/2016, dựa trên Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS).

“Mỹ chia sẻ quan điểm này”, bà Ortagus khẳng định.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc duy trì sự tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế chống lại đại dịch và ngừng lợi dụng sự mất tập trung và tổn thương của các nước khác để mở rộng tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông”, thông cáo của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ viết.

Trước đó, ngày 3/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, bà Hằng nhấn mạnh.

Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

COVID-19: Đạt thắng lợi đầu tiên, Italy thận trọng lập chiến lược “sống chung với virus” sau đỉnh dịch

“Vẫn còn nhiều tháng khó khăn phía trước”, Bộ trưởng Y tế Italy phát biểu về tình hình dịch COVID-19 tại nước này.

Italy đang thận trọng xem xét nới lỏng một số biện pháp cách ly khi dịch viêm phổi cấp do virus corona (COVID-19) giảm tốc độ lây lan đáng kể hoặc dừng lây lan tại nước này, cùng với đó là kế hoạch nâng cao chất lượng hệ thống y tế để phòng thủ trước loại virus này, hãng thông tấn RT (Nga) đưa tin.

Theo RT, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã tiết lộ về một chiến lược 5 bước để nước này có thể chiến đấu trường kỳ với đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.800 người, tính đến thời điểm hiện tại.

“Vẫn còn nhiều tháng khó khăn phía trước. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị các điều kiện để ‘sống chung’ với virus”, tờ La Repubblica (Italy) dẫn lời ông Speranza.

Xét trên số ca tử vong do nhiễm bệnh, Italy là quốc gia bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu. Theo lời Bộ trưởng Speranza, nước này sẽ dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn quốc này “chậm mà chắc”. Dự kiến, một khi chính phủ Italy xác nhận rằng đất nước đã vượt qua đỉnh cao của dịch Covid-19, chính quyền sẽ công bố tình trạng khẩn cấp bước sang “giai đoạn 2”, nới lỏng một phần các lệnh phong tỏa và giới nghiêm.

Tuy nhiên, một số biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội và sử dụng khẩu trang phẫu thuật trên diện rộng sẽ tiếp tục được áp dụng. Lệnh cấm người dân di chuyển và cấm các hoạt động kinh tế không thiết yếu của chính phủ nước này có thể sẽ tiếp tục được kéo dài thêm sau ngày 15/4.

“Nếu chúng ta không làm triệt để, thì chúng ta có nguy cơ khiến mọi nỗ lực từ trước tới nay đổ sông, đổ bể”, ông Speranza giải thích với tờ nhật báo Corriere della Sera.

Trong khi đó, chính quyền Italy sẽ tiếp tục cải thiện, tăng cường hệ thống y tế địa phương và có các điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ ứng phó với đại dịch COVID-19. Ông Speranza cho biết các bệnh viện đã được chính phủ giao phó nhiệm vụ ứng phó với dịch bệnh trên toàn lãnh thổ Italy sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này cho đến khi có vaccine phòng bệnh.

Các bệnh viện khác sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, bởi theo lời Bộ trưởng Speranza, “virus corona không hề khiến các bệnh nghiêm trọng khác biến mất”.

Tuyên bố trên được đưa ra sau hôm thứ 7 (4/4) tuần trước, khi Italy ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày nhỏ nhất – cùng với đó là số ca bệnh nghiêm trọng cũng đã giảm xuống lần đầu tiên – kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Số chữ ký kêu gọi tổng giám đốc WHO từ chức tăng không ngừng

Một đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức đã thu được hơn 718.000 chữ ký.

Đơn kiến nghị trên được tạo trên trang Change.org và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ả Rập. Tờ đơn khẳng định cách xử lý của các quan chức y tế thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) và WHO đối với sự bùng phát của dịch Covid-19 là “không chấp nhận được”. Ngoài ra, người viết đơn còn cho rằng ông Tedro “không phù hợp” với vị trí người đứng đầu WHO và nên từ bỏ chức vụ ngay lập tức.

Luận điểm chính của tờ đơn là sự thất bại của ông Tedros khi không công bố dịch Covid-19 ở Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hồi cuối tháng 1.

Theo đơn kiến nghị này, thay vì điều tra và xác minh độc lập số ca tử vong và ca nhiễm ở các tỉnh của Trung Quốc, ông Tedros chỉ đơn giản tin vào những thông tin của chính phủ Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng ban đầu Bắc Kinh đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh trong nước để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thờ ơ với những tác động đến sức khỏe toàn cầu.

“Nhiều người trong số chúng tôi rất thất vọng. Chúng tôi tin rằng WHO phải được xem như một tổ chức trung lập về chính trị. Ông Tedros chỉ tin vào những con số ca bệnh và ca tử vong Trung Quốc đưa ra mà không hề điều tra gì” – trích đơn kiến nghị trên.

Theo số liệu của worldometer chiều 6-4 (giờ Việt Nam), số người nhiễm Covid-19 trên thế giới đã gần tới 1,3 triệu người, trong đó gần 70.000 người tử vong. Đến nay virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở hơn 200 nước và vùng lãnh thổ từ khi lần đầu được phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 12-2019.

“Xin hãy giúp thế giới lấy lại niềm tin ở UN và WHO” – tờ đơn kết luận.

Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cũng nhắc đến sự việc này và nói thêm rằng tờ đơn xuất hiện trong bối cảnh có nhiều lo ngại cho rằng WHO nên đổi tên thành “Tổ chức Y tế Trung Quốc”.

Hồi tháng 2, ông Tedros từng khen ngợi Trung Quốc rằng biện pháp phong tỏa của nước này đã giúp “câu giờ” để thế giới chuẩn bị ứng phó đại dịch. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc không những không giúp thế giới có thêm thời gian, Trung Quốc còn đẩy nhân loại vào tình thế nguy hiểm khi công bố những dữ liệu về sự lây lan của dịch bệnh một cách không nhất quán, thậm chí là “bị tô vẽ”. Trung Quốc cũng bị tố “giấu dịch” khi khiển trách những người đầu tiên cảnh báo về CoVid-19 và phớt lờ những bằng chứng đầu tiên về khả năng lây nhiễm từ người sang người.

Những người ủng hộ tổng giám đốc WHO cho rằng vì từng là cựu bộ trưởng y tế và sau đó là ngoại trưởng Ethiopia nên ông Tedros là người có thiên hướng ngoại giao. Những lời ca ngợi Trung Quốc của ông là nhằm đảm bảo quốc gia này tiếp tục chia sẻ những thông tin quan trọng.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng chính Trung Quốc là nước đã có nhiều tác động để ông Tedros đạt được vị trí tổng giám đốc WHO như hiện nay. Theo đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tích cực vận động cho ông Tedros trong cuộc bầu cử ghế tổng giám đốc WHO năm 2017.

Trung Quốc được cho là đã sử dụng những cam kết về tài chính làm đòn bẩy để lôi kéo các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros, từ đó giúp ông vượt qua ứng cử viên David Nabarro của Anh để trở thành người đứng đầu WHO.