Cục diện ở Syria sau khi Mỹ đột ngột rút quân

Cục diện ở Syria sau khi Mỹ đột ngột rút quân

Quyết định của Hoa Kỳ khi rút quân khỏi đông bắc Syria đã khiến khu vực này nóng trở lại, báo hiệu một cuộc chiến kéo dài mới với các đối thủ của Washington có thể được hưởng lợi.
 

Lực lượng người Kurd ở Syria vẫn được 1.000 binh sĩ Mỹ đồn trú trên 1/4 lãnh thổ Syria hậu thuẫn. Đây là lực lượng đã kề vai sát cánh với quân đội Mỹ, giúp trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực đông bắc Syria đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ phát động một chiến dịch quân sự xuyên biên giới nhằm vào các tay súng người Kurd – lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố vì liên kết với các phần tử ly khai người Kurd.

Người Kurd là một dân tộc với 35 triệu người, sống trên bốn quốc gia ở Trung Đông.

Họ đã đấu tranh để thành lập nhà nước riêng trong nhiều thập kỷ – nhưng viễn cảnh tự trị của người Kurd tại Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại.

Tổng thống Trump đã đưa ra lý lẽ để bảo vệ quyết định rút quân của mình khỏi khu vực đông bắc, nơi có những mỏ dầu lớn nhất của Syria. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố muốn rút Mỹ khỏi “những cuộc chiến ngu ngốc kéo dài bất tận” – một lời tiên đoán cho viễn cảnh về khoảng trống an ninh trong khu vực.

Sau đó, Mỹ đã trừng phạt hai bộ và ba quan chức chính phủ cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả cuộc tấn công quân sự của nước này ở miền bắc Syria.

Phó Tổng thống Mike Pence cho biết Tổng thống Donald Trump cũng gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để yêu cầu đình chiến ngay lập tức.

Ông Pence cho biết Tổng thống Trump đã nhắc lại điều này trong cuộc gọi điện thoại hôm thứ Hai với Tổng thống Erdogan.

Phó tổng thống cũng nhắc lại rằng Hoa Kỳ “không bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Syria”.

Trước đó vào thứ Hai, một số nước thuộc Liên minh châu Âu cam kết đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thành công trong việc đưa ra lệnh cấm vận vũ khí toàn EU.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ xem xét lại việc hợp tác với EU vì thái độ “bất hợp pháp và thiên vị” của EU

Dù là một đồng minh trong NATO, nhưng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã xấu đi trong những năm gần đây và chưa có dấu hiệu sẽ được cải thiện. Các quan chức Mỹ đã lên án chiến dịch quân sự của Ankara và ông Trump đã nhiều lần cảnh báo sẽ “xóa sổ” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara làm điều gì vượt quá giới hạn

Về phía người Kurd, trong tình thế này, họ buộc phải quay sang chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad – trong nỗ lực đối phó với lực lượng quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.

Các lực lượng người Kurd cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với chính phủ của Tổng thống Bashar Assad để giúp họ chống lại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, một động thái đưa Nga tiến sâu hơn vào cuộc xung đột tại Syria.

Quân đội Syria đã tiến vào các khu vực ở phía đông bắc. Điều này có thể dẫn đến một cuộc đụng độ với các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.

Lực lượng các bên và quyền lợi trong thế cục sau khi Mỹ rút

Tổng thống Assad và các đồng minh

Theo một thỏa thuận giữa Tổng thống Assad và các chiến binh người Kurd, nhà lãnh đạo Syria đã bắt đầu triển khai lực lượng tới các ngôi làng và thị trấn gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những khu vực mà quân đội Syria đã bỏ rơi từ năm 2012, vào thời điểm cao trào của cuộc nội chiến.

Tổng thống Assad đã thành công trong việc kiểm soát được phần lớn lãnh thổ Syria sau nhiều năm giao tranh ác liệt với sự giúp đỡ của Nga và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn. Ngoài các khu sót lại của phe đối lập ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, và các khu vực do người Kurd kiểm soát.

Tổng thống Assad đang có trong tay lợi thế rất lớn đối với lực lượng người Kurd tại Syria. Ông Assad và các đồng minh của mình có thể dừng hoặc hạn chế chiến dịch tấn công nhằm vào khu vực do người Kurd kiểm soát, đổi lại ông có thể yêu cầu người Kurd giao lại lãnh thổ cho mình.

Điều này cho phép Tổng thống Assad, và xa hơn nữa có thể là cả Nga và Iran, quyền kiểm soát những vùng dầu mỏ dồi dào và rộng lớn ở gần biên giới với Iraq.

Ngoài ra, cũng cho phép mở rộng cái gọi là “vùng lưỡi liềm Shiite” trong tầm ảnh hưởng của Iran, trải dài từ thủ đô Tehran tới Li-băng, cảnh báo các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Israel

Người Kurd, lực lượng từng có kế hoạch xây dựng một khu vực tự trị, được cho sẽ trở lại với nhà nước Syria, kết thúc 8 năm nội chiến kéo dài.

Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng hậu thuẩn

Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu tuyên bố sẽ thiết lập khu vực an toàn sâu 30 km vào Syria. Tuy nhiên, theo tình hình hiện tại, Ankara có thể sẽ tiến sâu hơn nữa vào Syria.

Theo giới quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ đang dựa vào lực lượng lớn là các chiến binh người Syria do họ hậu thuẫn, trong đó phần lớn là người gốc Ả rập và một số nhóm thiểu số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm chống lại người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố rằng họ kỳ vọng sẽ đưa từ 2 – 3,5 triệu dân thường Syria tị nạn trở lại khu vực an toàn do họ thiết lập.

Quan hệ căng thẳng giửa Thổ và Hoa Kỳ dường như sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải củng cố mạnh mẽ hơn nữa quan hệ với Nga và Iran. Viễn cảnh về việc Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga và Iran sẽ trở thành 3 nước lớn có tầm ảnh hưởng với Syria trong tương lai là điều có thể xảy ra.

IS

“Ngày tàn” của IS đã đến hồi tháng 3/2019 khi vùng lãnh thổ chiếm giữ đã bị các bên giành lại quyền kiểm soát. Tuy nhiên, IS vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công ở Syria và Iraq và lực lượng này có tiền sử trong việc hồi sinh trở lại sau khi bị đánh bại về mặt quân sự.

Lực lượng người Kurd là một trong những lực lượng hiệu quả trong việc chiến đấu chống IS. Trước khi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra, họ vẫn cùng với lực lượng Mỹ mở tiêu diệt tàn dư của IS.

Hiện thời, các chiến dịch đã phải ngừng lại và người Kurd quan ngại rằng họ sẽ không thể duy trì kiểm soát các trại giam phiến quân IS trên khắp đông bắc Syria. Theo như công bố, 400 tay sung người Kurd đang trông coi  10.000 tù nhân IS, trong đó có 2.000 tay súng nước ngoài, cũng như hàng nghìn những “cô dâu IS” và con cái của những kẻ này khi quân Thổ tràn sang.

Các cuộc giao tranh dữ dội hồi cuối tuần qua đã khiến hàng trăm phần tử ủng hộ IS tháo chạy sau một cuộc bạo loạn trong nhà tù. Việc Mỹ rút quân khỏi Syria được cho sẽ làm khiến kế hoạch lực lượng Washington đưa những tên chiến binh IS khét tiếng nhất sang các cơ sở giam giữ ở Iraq, không thể hoàn thành.

Trong khi đó, tên đầu sỏ IS Abu Bakr al-Baghdadi vẫn đang còn sống và liên tục kêu gọi những người ủng hộ tiến hành các cuộc tấn công và tiến hành vượt ngục.

Iran và lực lượng hậu thuẫn

Với việc đa phần các đơn vị người Kurd phải cơ động lên phía bắc và tham chiến chống lại lực lượng Thổ, việc phòng thủ của các căn cứ dã chiến của lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ yếu hơn trước đây.

Mặc dù Iran đã ra mặt phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên họ hoàn toàn có thể lợi dụng tình thế hiện tại để mở rộng sang các khu vực do đồng minh địa phương của Mỹ kiểm soát.

Cùng với các chiến thuật lôi kéo và chia rẽ mà họ đã thực hiện thành công, với sự cộng tác của người dân địa phương, Iran có thể triển khai các cuộc tấn công giấu mặt nhằm vào lực lượng Mỹ.

Về phía Mỹ

Ngay sau động thái rút lui khỏi Syria, giới chức Quốc phòng Mỹ bất ngờ tuyên bố sẽ triển khai thêm 2.800 quân đến Ả Rập Saudi để bảo vệ các giếng dầu tại nước này.

Lực lượng mới sẽ gia nhập vào đội ngũ 200 quân nhân Mỹ vốn được cử đến Ả Rập Saudi để phụ trách các vấn đề phòng không và theo dõi radar vào cuối tháng 9 vừa qua, sau vụ tấn công vào các giếng dầu mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết việc đưa quân tới Ả Rập Saudi là “vì mục đích bảo vệ lợi ích và tài sản của nước Mỹ trong khu vực, và cũng để tái lập sự răn đe đối với Iran sau vụ tấn công vào Ả Rập Saudi. “

Lầu Năm Góc đã cho phép triển khai thêm 2 khẩu đội tên lửa Patriot, một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng 2 phi đội chiến đấu cơ cùng các quân nhân không quân viễn chinh đến Ả Rập Saudi. Lực lượng viễn chinh trên không bao gồm các máy bay ​​chở dầu, chiến đấu cơ, cùng các máy bay do thám và trinh sát, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết với ABC News.

…….

Việc ông Trump đưa quân rời khỏi Syria đã dấy lên sự chỉ trích trong và ngoài nước khi bỏ rơi người Kurd – đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống IS – và kéo theo nguy cơ IS hồi sinh

Dầu vậy, ông Trump vẫn bảo vệ quan điểm mình

“Bất cứ ai muốn hỗ trợ Syria trong việc bảo vệ người Kurd đều tốt với tôi, cho dù đó là Nga, Trung Quốc hay Napoleon Bonaparte,” ông viết. “Tôi hy vọng tất cả họ đều làm rất tốt!”.

Ông Trump cũng cho rằng quyết định của ông là sự hoàn thành một lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử và sẽ giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, theo các quan chức Nhà Trắng

Tuy không biết Nhà trắng có tính toán gì khi quyết định rút quân khỏi Syria, mang tiếng bỏ rơi đồng minh, nhường chổ trống cho Nga, Iran và Thổ, nhưng theo một nhà phân tích quân sự thì  quân đội Mỹ không có lợi ích chiến lược nào để phải hiện diện ở Syria. Nếu quân Mỹ ở lâu thêm thì họ càng sa lầy vào vùng đất này. Mọi sắp đặt đều bị các bên công kích.

Viet Press sẽ tiếp tục cập nhật