NHẠC SĨ ĐÀI PHƯƠNG TRANG

   Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Các bút danh khác là Thanh Viên, Phạm Vũ Anh Tứ, Phạm Tứ và Quang Tứ. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc từ năm 1966, đến nay ông đã có hơn 500 ca khúc. Ông là cựu giáo viên âm nhạc Trường Trung học cơ sở Phú Định (Quận 6).

Tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Đài Phương Trang ra mắt công chúng năm 1966, nhưng thực tế, ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1965. Đó là khi viết chung với nhạc sĩ Anh Thy bài Bốn Màu Áo, bút danh khởi đầu là Thanh Viên.

Năm 1968, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang là giám đốc của nhiều hãng đĩa nhạc và nhà in như Continental, Ngày Xanh, Sơn Ca… mời Đài Phương Trang cùng cộng tác gửi bài. Tác phẩm đầu tiên của sự cộng tác này là bài “Biết Ai Tâm Sự” với tiếng hát ca sĩ Kim Loan. Ngoài ra Đài Phương Trang còn để nhạc sĩ Ngọc Sơn, cậu ông đứng tên chung nhiều bài.

    Một số ca khúc phổ biến của ông là: Hoa mười giờ (đồng sáng tác với Ngọc Sơn), Căn nhà dĩ vãng, Chuyến xe miền Tây, Tình nghèo có nhau, Ước mộng đôi ta… và đặc biệt là bài Người yêu cô đơn (viết năm 1973) là ca khúc tiêu biểu của ông và cũng là nhạc phẩm giúp tên tuổi ca sĩ Tuấn Vũ được thính giả khắp nơi biết đến.

    Sau 1975, ông là một trong số ít các nhạc sĩ ở lại Việt Nam tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Giống như các nhạc sĩ cùng thời như Thanh Sơn, Hàn Châu, Tô Thanh Tùng, Vinh Sử, Giao Tiên… ngoài sự tiếp nối của dòng nhạc trữ tình Boléro, ông còn viết thêm những ca khúc quê hương mang âm hưởng Nam Bộ và khá thành công.

    Nhưng nhạc hài mới là thể loại nhạc mà ông tâm huyết nhiều nhất. Ấp ủ từ lâu nhưng đến năm 1990 ông mới bắt tay vào viết nhạc hài và tìm bạn diễn. Cùng với Phương Khanh (diễn viên Đoàn kịch Kim Cương), ông thành lập nhóm “Hai Con Dế”, ra sân khấu với trang phục truyền thống áo dài khăn đóng và chơi đàn guitar. Sau khi Phương Khanh qua đời, ông tiếp tục duy trì nhóm với một số bạn diễn mới như Kông Thanh Bích, Hải Thanh và hiện nay là nhạc sĩ Đức Tân.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang từng nói rằng, ông thường vay mượn cảm xúc của người khác để sáng tác nhạc. Những bài hát buồn của ông đều có câu chuyện từ bạn bè hoặc những người xa lạ. Ví như, ông từng chứng kiến một mối tình cảm động. Đó là một cặp trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm vì gia cảnh chàng trai nghèo khó. Cô gái phải nghe lời cha mẹ đi lấy chồng. Thời gian sau, cả hai vô tình gặp lại nhưng cô gái cố ý tránh mặt tình cũ. Vô tình biết câu chuyện của họ, ông đã viết ca khúc “Đừng nhắc chuyện lòng”. Còn nhạc phẩm “Căn nhà dĩ vãng”, ông viết về nỗi đau của đôi tình nhân không thể cưới nhau…

Về bài hát Người yêu cô đơn, nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại: “Tôi viết “Người yêu cô đơn” năm 1973, khi bản thân đã có…một gia đình hạnh phúc, chứ không thất tình như nhiều người lầm tưởng! Tôi thấy bạn bè nhiều người khổ lụy rồi suy sụp vì bị tình phụ nên tôi viết “Người yêu cô đơn” như một lời động viên: Hãy chấp nhận sống chung với nỗi cô đơn và đừng tuyệt vọng, hãy xem nỗi cô đơn như là tình nhân của mình, bạn sẽ cảm thấy… bớt cô đơn! Qua tình khúc này tôi cũng mong những ai bị tình phụ hãy rộng lượng cầu chúc cho người mình yêu được hạnh phúc bên tình duyên mới”.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang về hưu vào cuối thập niên 90 và tiếp tục sự nghiệp sáng tác đến nay. Hiện ông đang sống cùng vợ và ba người con (2 gái, 1 trai) tại quận Tân Bình, Sài Gòn.

ST