Montreal có gì lạ…không em?

Montreal có gì lạ…không em? 

Viet Press lại tiếp tục loạt bài phóng sự của anh Andy Linh về ẩm thực nhà hàng tại thành phố Montreal. 

Tuần rồi có một nhà hàng Nhật lâu đời vừa đóng cửa sau 42 năm họat động. Trang mạng của nhà hàng ra thông cáo đóng cửa và cảm ơn khách hàng sau mấy mươi năm. Tiệm này nằm trên đường Sherbrooke và người viết trước đây đã đến vài lần. Cũng có vài kỷ niệm, nhưng tiệm này lại có một lịch sử đặc biệt, tiệm tên là Kobe được thành lập bởi một ông vua ngân hàng, một người giàu có bậc nhất ở miền Nam Việt Nam trước 1975.

Chân dung ông Nguyễn Tấn Đời. Ảnh tư liệu

Người đàn ông ấy là Nguyễn Tấn Đời, vốn là một thương gia giàu có nhưng bị tán gia bại sản và vào tù. Sau này khi đến được Canada, lúc này tuổi đời của ông đã quá 50 nhưng ông không chịu ngồi yên một chỗ. Ông năn nỉ con gái bán chiếc vòng cẩm thạch để giúp ông chút vốn kinh doanh nhỏ qua ngày.

Rồi một hôm, ông tình cờ gặp được chủ một công ty người Nhật – ông này vốn trước kia là bạn ông cùng làm ăn ở Sài Gòn. Sau lần trò chuyện đó, ông Sato – tên ông chủ người Nhật – hiểu rõ hoàn cảnh của ông đã giúp ông vốn liếng cùng hỗ trợ kỹ thuật để  mở một nhà hàng Kobe tại Canada.  

Điểm xuất phát đã có, từ nhà hàng này, không bao lâu sau ông tiếp tục khuếch trương mở hàng loạt nhà hàng khác. Chuỗi nhà hàng Kobe của ông một thời làm mưa làm gió trên đất Canada.

Chỉ vài năm sau, năm 1980 ông tiếp tục phát triển sang đất Mỹ. Các chi nhánh nhà hàng của ông có mặt khắp các tiểu bang như Washington DC, Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii, Floriada. Ông Nguyễn Tấn Đời trở lại thành tỉ phú trên xứ người.

Theo như hồi k‎ý ông viết,  Xí nghiệp nhà hàng Kobe thành công được là nhờ: Tổ chức – Vật thực – Không khí ấm cúng, quản trị chu đáo, giữ được khách hàng vừa lòng, mà nhân viên cần phải nhớ mặt, nhớ tên khách để gọi và chào hỏi khi họ trở lại, điều này rất quan trọng, vì đây là niềm hãnh diện của khách hàng. Ngoài ra ông còn sáng chế các loại sauce để Kobe có “gu” riêng và có chỗ đứng riêng so với các nhà hàng Nhật khác do chính người Nhật mở lúc bấy giờ.

Một người đã đứng tuổi không tài sản vốn liếng chỉ trong vài năm nơi đất khách đã làm nên cơ nghiệp. Vậy mà ông đau đáu muốn trở về quê hương làm lại những gì đã mất. Thế nhưng, chưa kịp thực hiện thì ông lâm bệnh và mất ngày 6/7/1995 tại Orlando, Floria (Hoa Kỳ), hưởng thọ 73 tuổi.

Trước khi qua đời, ông Nguyễn Tấn Đời kịp để lại cho hậu thế quyển hồi ký về cuộc đời của mình. Trong quyển hồi ký đó, ông ghi lại các bí quyết để ông thành công: “Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng.

Còn sự may mắn được ví như là một cơn mưa trút xuống cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho. Đồ chứa tốt, lớn chính là đức độ, khả năng làm việc, sự tìm tòi, học hỏi, sự kiên nhẫn về tổ chức và nhất là nhạy cảm, linh động, sáng kiến, biết quan sát tìm hiểu để đúc kết kinh nghiệm cho sự thành công.

Với ông, dù tiểu nhân hay quân tử tất cả ông đều xem là ân nhân bởi chính nhờ những người này đã giúp ông nung nấu ý chí, giúp ông thành công.

Kobe đã trở thành một biểu tượng của nhà hàng Nhật tại thành phố và được thành lập bởi người Việt. Loại hình nhà hàng này còn gọi là Steak house Nhật teppanyaki. Khách ngồi quanh bàn nướng teppan và được đầu bếp vừa nướng vừa phục vụ trước mặt. Ngoài ra cũng có sushi bar. Downtown cũng có 1 tiệm còn mở trên đường De la Montagne góc Maisonneuve tên là Toyo Steak House. 

Kobe đã đóng cửa, theo như thông báo. Và có lẽ sẽ còn lâu lắm chúng ta mới có thể thưởng thức trở lại…những dư hương của quá khứ một thời…

Andy